Tìm kiếm

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Người giàu ngày càng thông minh hơn (phần 1)




Thật bất công nếu lấy tiền của những người đã lao động chăm chỉ, sáng tạo để cho những người cả đời chỉ biết ngồi lỳ một chỗ.
Một nhân viên ngân hàng nổi tiếng nói rằng khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, những người phụ nữ mà ông biết đã ngừng đeo đồ trang sức. "Đó không chỉ vì họ biết nghĩ về sự phô trương mà còn do đeo chúng chẳng còn là việc hay."
Ông cho biết: "Có những blog có tên tôi, tên gia đình tôi và cả địa chỉ. Còn có cả những lời đe dọa giết người. Bạn có thể cho rằng đó chỉ là đứa trẻ ranh nào đó ngồi trong xó nhà nhưng John Lennon đã gặp một đứa trẻ như thế và anh ta đã bị đứa trẻ đó bắn."
Các vụ phá sản hàng loạt đã gây nên một làn sóng giận dữ trong công chúng đối với các nhà tài chính và toàn bộ những người giàu có nói chung. Bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng ở hầu hết các nước giàu có nên tranh luận về chúng cũng vì thế mà trở nên căng thẳng hơn.
Người giàu ngày càng giàu hơn
Ví dụ như tại Hoa Kỳ vào năm 1987 top 1% những người đóng thuế nhiều nhất nhận 12.3% tổng số thu nhập trước thuế. 20 năm sau, con số này đã lên tới 23.5%, gần gấp đôi so với trước. Tỷ lệ này của nửa dưới những người đóng thuế giảm từ 15.6% xuống 12.2%.
Jan Pen, một nhà kinh tế học Hà Lan qua đời năm ngoái, đã đưa ra một cách rất ấn tượng để hình dung về bất bình đẳng.
Giả dụ chiều cao con người tỷ lệ thuận với thu nhập, do đó một người với chiều cao trung bình sẽ có thu nhập trung bình. Bây giờ tưởng tượng rằng toàn bộ dân số trưởng thành của Hoa Kỳ đi qua bạn trong một giờ theo thứ tự thu nhập tăng dần.
Những người đi qua đầu tiên là những chủ doanh nghiệp thua lỗ và họ vô hình bởi đầu họ nằm dưới mặt đất. Sau đó là tới những người thất nghiệp và những lao động nghèo khổ - những người lùn.
Sau nửa tiếng thì đoàn người đi qua vẫn chỉ cao tới eo bạn bởi thu nhập mức giữa của Hoa Kỳ chỉ bằng nửa mức thu nhập trung bình. Phải mất tới gần 45 phút thì những người có kích thước bình thường mới xuất hiện.
Nhưng sau đó ở những phút cuối cùng, những người khổng lồ ầm ầm băng qua. Trong vòng 6 phút toàn những người cao 12 feet (~3.66m). Khi 400 người cao nhất đi qua vào lúc cuối cùng, mỗi người cao đến hơn 2 dặm.
Thước đo bất bình đẳng phổ biến nhất là hệ số Gini. 0 điểm tương ứng với mức bình đẳng tuyệt đối: mọi người có thu nhập như nhau. 1 điểm bằng với việc một người có tất cả mọi thứ.
Chỉ số Gini của Hoa Kỳ đã tăng từ 0.34 (những năm 1980) lên 0.38 (giữa những năm 2000). Chỉ số này của Đức đã tăng từ 0.26 lên 0.3 và Trung Quốc từ 0.28 lên 0.4. Chỉ một nước lớn duy nhất là Brazil có chỉ số này giảm từ 0.59 xuống 0.55.
Đáng ngạc nhiên là trong cùng lúc đó, bất bình đẳng toàn cầu đã giảm từ 0.66 xuống 0.61, theo số liệu của Xavier Sala-i-Martin, một nhà kinh tế học tại Đại học Columbia. Đó là bởi những nước nghèo hơn, như là Trung Quốc, đã tăng trưởng nhanh hơn các nước giàu.
Bất bình đẳng chẳng phải chuyện nhỏ
Bất bình đẳng giàu ảnh hưởng đến đâu? Rất nhiều là câu trả lời của Richard Wilkinson và Kate Pickett, hai tác giả của cuốn "The Spirit Level: Tại sao bình đẳng tốt cho tất cả mọi người".
Cuốn sách của họ đã gây xôn xao tại Anh bằng cách chỉ ra rằng bất bình đẳng có liên quan tới mọi tệ nạn xã hội với những biểu đồ và số liệu phong phú.
Sau khi so sánh các quốc gia và những tiểu bang không bình đẳng ở Mỹ với những nước và tiểu bang bình đẳng hơn, các tác giả kết luận rằng sự bất bình đẳng lớn hơn sẽ dẫn tới nhiều tội phạm hơn, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao hơn, dân cư phát phì hơn, tuổi thọ thấp hơn, nhiều thiếu niên mang thai hơn, phân biệt đối xử với nữ giới nhiều hơn, v.v… Họ thậm chí còn rút ra là những nước bình đẳng hơn sẽ cách tân hơn, thể hiện ở số bằng sáng chế trên đầu người.
Ông Wilkinson và bà Pickett cho rằng những xã hội bình đẳng phát triển tốt hơn bởi loài người tiến hóa trong những nhóm nhỏ săn bắn - hái lượm chia sẻ thức ăn.
Những xã hội hiện đại bất bình đẳng đều rất căng thẳng bởi ý thức cơ bản về bình đẳng của con người bị xâm phạm. Các tác giả kêu gọi tăng cường sở hữu chung tại các công ty và đánh thuế cao hơn vào những người giàu. Các học giả cánh tả rất hoan nghênh ý tưởng này nhưng những người còn lại thì không chắc.
Ông Peter Saunders từ cơ quan nghiên cứu trung hữu Policy Exchange tại London, cho rằng những kết luận dựa trên thống kê trong cuốn sách hầu hết là vớ vẩn. Ông đã chỉ ra một số điểm sai sót.
Đầu tiên là ông Wilkinson và bà Pickett không loại trừ những ngoại lệ từ mẫu của họ.
Do đó, ví dụ khi họ nói rằng các nước bất bình đẳng có tỷ lệ giết người cao hơn những nước bình đẳng, tất cả những gì họ quan sát chỉ là các vụ giết người ở Mỹ xảy ra thường xuyên hơn ở những các nước giàu có khác, có thể là bởi họ được trang bị vũ khí dễ dàng hơn. Đối với phần còn lại của mẫu, không có liên hệ chặt giữa bất bình đẳng và giết người.
Tương tự như vậy, phát hiện của họ về tuổi thọ trung bình lại dựa vào Nhật Bản, đất nước có tuổi thọ cao có lẽ là do chế độ ăn uống hợp lý chứ không phải do phân phối thu nhập đồng đều.
Và những phát hiện về mang thại vị thành niên, vị thế nữ giới và sự cách tân lại dựa vào Scandinavi, một khu vực với nền văn hóa hòa nhã và vừa phải, có thể thấy rất rõ ở những người gốc Scandinavi sống tại Mỹ.
Những nhân tố ngoài sự bất bình đẳng thường tương quan lớn với những vấn đề nêu ra trong cuốn sách.
Ông Saunders nói rằng ví dụ tại các bang của Mỹ, chủng tộc là một yếu tố dự đoán chuẩn xác hơn nhiều cho việc giết người, bỏ tù hay tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong.
Ông cũng phê phán các tác giả vì bỏ qua các nước không phù hợp với giả thuyết của họ và lờ đi những vấn đề xã hội như ly dị và tự sát, hiện đang tồi tệ hơn ở các nước bình đẳng hơn.
Giàu, đơn giản vì họ giỏi
Cuộc tranh luận này có lẽ sẽ không bao giờ được giải quyết. Những vấn đề được thống kê đã đủ rắc rối.
Nếu đo lường bất bình đẳng trong tài sản thay cho thu nhập, trật tự thế giới sẽ thay đổi. Theo cách đo lường này, Thụy Điển sẽ bất bình đẳng hơn so với Anh, bởi rất ít người Thụy Điển có lương hưu tư nhân.
Và nếu đo lường mức tiêu thụ thì thế giới dường như bình đẳng hơn nhiều. Những người nghèo ở các nước giàu thường tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm ra bởi họ được hưởng phúc lợi và sử dụng dịch vụ công cộng.
Những người rất giàu thường chỉ chi một phần nhỏ trong thu nhập của họ. Bill Gates giàu gấp hàng triệu lần một người bình thường nhưng ông ta không ăn hàng triệu bữa trong một ngày.
Các vấn đề về triết lý thậm chí còn phức tạp hơn. Ông Saunders lưu ý rằng dường như là bất công khi những cầu thủ bóng đá, các giám đốc ngân hàng và những nhà tài phiệt kiếm được nhiều hơn những gì họ làm trong khi những người thất nghiệp và những ông bố bà mẹ độc thân phải vật lộn để trả tiền nhà.
Tuy nhiên cũng có vẻ là không công bằng nếu lấy tiền từ những người làm việc vất vả để cho những người lười biếng hay là lấy đi lợi nhuận của những người đã liều lĩnh khoản tiết kiệm cả đời để mang tới một phát minh mới cho thị trường nhằm giúp cho những người mà đã không mạo hiểm gì cả.
Những xã hội khác nhau sẽ chọn các cách khác nhau để xử lý xung đột này.
Rất khó để đánh giá người dân sẽ phản đối bất bình đẳng mạnh tới mức độ nào. Một cuộc thăm dò gần đây của BBC, một đài truyền hình có ngân sách từ tiền đóng thuế, đã phát hiện ra rất nhiều người ở Anh nghĩ rằng các thủ quỹ, trợ lý chăm sóc khách hàng nên được trả lương cao hơn và những giám đốc điều hành cùng với các ngôi sao bóng đá thì ít đi.
Tuy vậy rất ít người Anh bo cho những người thủ quỹ, tẩy chay những hãng có những ông chủ kếch xù hay xem những đội bóng ở giải hạng hai.
Dự án thái độ toàn cầu Pew Global Attitudes Project phỏng vấn nhiều người ở các nước khác nhau xem quan điểm của họ có phải là "hầu hết mọi người đều sống tốt hơn trong một nền kinh tế thị trường tự do, thậm chí một vài người giàu và một vài người nghèo."
Ở Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Mỹ và thậm chí cả Thụy Điển hầu hết mọi người đều đồng ý, nhưng tại Nhật Bản và Mexico phần lớn lại phản đối. Người dân ở những nước mới mở cửa gần đây và hiện đang bùng nổ là đồng tình nhất: 79% người Ấn Độ và 84% người Trung Quốc đồng ý với quan điểm đó.
Minh Tuấn
Theo Economist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét