Tìm kiếm

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Một phương pháp tránh rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp

Thông thường các doanh nghiệp sử dụng công cụ hợp đồng quyền chọn (forward contract) để hạn chế rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính chưa phát triển như ở Việt Nam hiện nay, điều này vẫn khó thực hiện. Bài viết này cung cấp một phương pháp dự phòng khác, an toàn và dễ thực hiện.
Một phương pháp tránh rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp
Trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu hàng hóa bán cho các dự án, công trình theo các gói thầu đã được duyệt trong nước. Đặc thù giá cả hàng hóa nhập khẩu theo hợp đồng mua hàng (hợp đồng ngoại) thường được tính theo USD hay EUR còn hợp đồng bán hàng (hợp đồng nội) cung cấp trong nước lại phải tính trị giá theo VNĐ, vì thế rủi ro do chênh lệch tỷ giá là rất thường xuyên gặp phải.
Khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần đăng ký nhận nợ khoản vay bằng đồng tiền thực hiện hợp đồng nội. Nghĩa là nếu hợp đồng nội ký giá trị bằng VNĐ thì hợp đồng tín dụng vay vốn cũng ký bằng VNĐ để tránh rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên nếu nhận nợ bằng VNĐ, lãi suất của hợp đồng tín dụng sẽ cao hơn so với nhận nợ bằng EUR hay USD, vậy sẽ phát sinh thêm một khoản chi phí và doanh nghiệp cần xác định khoản chi phí này áp dụng vào bảng tính giá bán.
Bài toán: Ngày 01.01.x doanh nghiệp nhập khẩu một lô hàng A giá trị 100.000 EUR, tỷ giá ngày nhập là 23.000VNĐ/EUR, vay vốn tại ngân hàng thời gian là 6 tháng (lãi trả hàng tháng), lãi suất ngân hàng cho vay VNĐ là 12%/năm, cho USD là 6%/năm, cho EUR là 4,5%/năm.Giả sử hàng hóa nhập của 1 hợp đồng ngoại được bán hết trong 1 hợp đồng nội. 
a. Nếu doanh nghiệp nhận nợ ngân hàng bằng EUR, sau 6 tháng, tổng số tiền doanh nghiệp phải trả sẽ là 100.000 + 100.000 x (4,5% / 12) x 6 = 102.250 EUR
Nếu tỷ giá không đổi trong suốt 6 tháng, tổng số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra: 102.250 x 23.000 = 2.351.750.000 VNĐ
b. Nếu doanh nghiệp nhận nợ bằng VNĐ, sau 6 tháng tổng số tiền doanh nghiệp phải thanh toán sẽ là 100.000 x 23.000 + 100.000 x 23.000 x (12%/12) x 6 = 2.438.000.000đ
Như vậy, chênh lệch giữa phương án A và phương án B (nếu tỷ giá không đổi) là: 86.250.000đ (*)
Con số (*) chính là số chi phí doanh nghiệp cần tính thêm vào phương án giá bán và nhận nợ hợp đồng tín dụng bằng VNĐ để đảm bảo chắc chắn sẽ không bị rủi ro tỷ giá sau 6 tháng thực hiện hợp đồng. Doanh nghiệp có thể cộng vào chi phí, hoặc cộng vào tỷ giá EUR, tức là thay vì tính tỷ giá EUR là 23.000 như hiện hành trên thị trường, doanh nghiệp tính tỷ giá bán là 24.380 VNĐ/EUR. 
Trên đây là một ví dụ, bài toán này có thể mở rộng ra các trường hợp khác, khi mà hợp đồng ngoại ký bằng EUR còn hợp đồng nội ký bằng USD, hay có sự thay đổi tỷ giá, thay đổi lãi suất ngân hàng, hợp đồng ngoại nhập khẩu cho nhiều hợp đồng nội… Các trường hợp trên có thể lập một bảng Excel sẽ cho ra kết quả ngay khi chúng ta nhập số liệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét