Tìm kiếm

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Lãi suất vọt mạnh: Doanh nghiệp 'nhịn' hay tiếp tục 'uống thuốc độc'?

Doanh nghiệp cho rằng, lãi vay vốn đã cao trong nhiều năm qua, bây giờ chỉ cần tăng thêm một chút cũng đủ khiến họ lao đao. Đó là chưa kể việc các ngân hàng sẽ càng siết chặt tín dụng do lo ngại khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Sau quyết định thả nổi lãi suất, phản ứng đầu tiên của khối doanh nghiệp là lo lắng và điều này đã được thể hiện vào kế hoạch kinh doanh năm 2011 của họ: an toàn, bảo vệ lợi nhuận hơn là mở rộng đầu tư. Họ càng sốt ruột hơn khi các ngân hàng vẫn chưa có động thái rõ ràng về xu hướng lãi suất và cả 2 bên dường như vẫn còn đang ở thế phòng ngự.
 
Một mũi tên hai đích
 
Theo nhận định của ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính đến nay Chính phủ đã đạt được mục tiêu tăng trưởng, song vẫn còn 2 vấn đề cần giải quyết. Đó là, tiếp tục kiểm soát lạm phát và đặc biệt là ổn định giá trị tiền đồng.
Tuy nhiên, giá trị tiền đồng sẽ khó ổn định khi USD vẫn tiếp tục tăng giá. Vì thế, giải pháp thả nổi lãi suất (từng được Chính phủ áp dụng trong năm 2002), hay trả lãi suất về cho thị trường, không đặt ra yêu cầu giảm lãi suất mà để cho ngân hàng tự quyết định mức lãi suất huy động và cho vay, được thực thi.
Chỉ một mũi tên thả nổi lãi suất đã bắn trúng 2 con nhạn: vừa giúp tăng giá trị tiền đồng, vừa góp phần vào mục tiêu kiềm chế lạm phát. Từ việc thả nổi này, theo dự báo của ông Thúy, lãi suất huy động sẽ vào khoảng 12-13% và cho vay khoảng 15-17% (dù rằng trong thời gian qua doanh nghiệp cũng đã phải đi vay với mức này).
Xét về mặt điều hành kinh tế vĩ mô, thả nổi lãi suất là biện pháp khả dụng để ổn định tỉ giá và lạm phát, cũng như tạo cho ngân hàng chủ động trong huy động và cho vay. Thế nhưng, đối với doanh nghiệp, lực lượng đóng góp chủ lực vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), điều này lại mang đến nỗi lo mặt bằng lãi suất sẽ tăng cao.
Quan ngại này rõ ràng là có cơ sở. Doanh nghiệp cho rằng, lãi vay vốn đã cao trong nhiều năm qua, bây giờ chỉ cần tăng thêm một chút cũng đủ khiến họ lao đao. Đó là chưa kể việc các ngân hàng sẽ càng siết chặt tín dụng do lo ngại khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Trước những sức ép này, nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc lại việc đi vay và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, đầu tư năm 2011. Không ít ông chủ doanh nghiệp chọn giải pháp bảo vệ lợi nhuận thay vì mở rộng quy mô.
Doanh nghiệp phòng ngự
Hãy bắt đầu từ câu chuyện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Việt Pháp. Đây là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm ống nhựa ruột gà (để luồn dây điện) dùng trong xây dựng. Sản phẩm chính của Việt Pháp là ống nhựa nhỏ 5 mm. Bà Hồng Thị Thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, cho biết, nếu sản xuất được ống nhựa lớn hơn, từ 25 mm trở lên, Công ty có thể sẽ đạt được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt hơn. “Qua nhiều năm hoạt động tốt, tích lũy được đất đai, tôi luôn nghĩ đến việc mở rộng quy mô, đầu tư nhà máy để sản xuất loại ống lớn. Nhưng việc này trước kia đã khó giờ càng thêm xa vời, vì lãi vay có thể sẽ còn tăng nữa”, bà chia sẻ.
Bà Thảo không giấu việc bà có mối quan hệ tốt với các ngân hàng để có thể vay vốn trung hạn với lãi suất tốt (bà không tiết lộ mức vay) trong thời gian qua, nhưng bà vẫn không thể mở rộng sản xuất vì không chịu nổi áp lực từ 2 đầu. Đầu vào là lãi vay cao (dù đã được ưu đãi), trong khi đầu ra vướng chính sách trả chậm của khách hàng.
Nếu gồng mình chấp nhận mức lãi suất vay dài hạn để đầu tư cho dự án này (khoảng 5 năm), giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ cao. Bên cạnh đó, lực lượng mua sản phẩm này chủ yếu là các công ty Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng điện công nghiệp, khả năng thanh toán chậm, nên trong khi chờ thanh toán bà vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn. Vì vậy, trong năm 2011, bên cạnh 2 nhà máy hiện tại ở Bình Dương và Đồng Nai, bà cho biết chỉ duy trì mức tăng trưởng đều đặn chứ không có ý định mở rộng đầu tư.
Trong khi bà Thảo e ngại việc sử dụng nguồn vốn dài hạn lãi suất cao để đầu tư xây dựng nhà máy thì ông Vũ Hoàng Tiến Bảo, một doanh nhân đang cùng lúc điều hành 2 công ty, cũng không yên tâm với nguồn vốn ngắn và trung hạn. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hóa Quang của ông hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng trường đào tạo nghệ thuật, còn Công ty Nhạc Việt chuyên phân phối thiết bị chiếu sáng, âm thanh và giải pháp sân khấu.
Trong kế hoạch phân bổ vốn vay từ ngân hàng cho 2 công ty, nhiều năm qua ông Bảo chia thành 3 nhóm. Vốn ngắn hạn (6 tháng đến 1 năm) dùng để nhập thiết bị cho hoạt động phân phối. Vốn trung hạn (khoảng 2 năm), dùng để xây dựng trường. Vốn dài hạn (trên 5 năm) phục vụ cho các mục tiêu lâu dài chưa xác định.
Ngay lúc này, chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước khiến ông hồi hộp chờ đợi ngày thanh toán các khoản vay trước đó với mức lãi suất thả nổi có thể khiến doanh nghiệp bị… đuối. Tại 2 công ty của ông Bảo, vốn vay ngân hàng chiếm đến hơn 70% cơ cấu vốn, với mức lãi suất hiện tại hơn 16%. Ông Bảo lo rằng lãi suất có thể cao đến hơn 17%, trong khi công ty khó có thể đạt được lợi nhuận đủ để trang trải chi phí vốn vay này. “Tôi rất lo lắng vì năm nay đã khó mà năm sau lại có thể còn khó hơn”, ông chia sẻ.
Không chỉ có lãi suất, ông còn cho rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ được thắt chặt hơn trước sức ép tăng giá, khiến công việc kinh doanh khó khăn hơn. Vì thế, so với những năm trước, kế hoạch kinh doanh năm 2011 của ông Bảo không phải là đầu tư mở rộng quy mô, tăng doanh số mà sẽ là bảo vệ lợi nhuận. Đây cũng là một trong những phương cách đối phó với lãi suất mà nhiều doanh nghiệp khác đang nghĩ đến.
Hai câu chuyện trên đây đặt ra câu hỏi: Trước sức ép lãi suất tăng do chính sách thả nổi lãi suất, liệu các doanh nghiệp tư nhân, gia đình, vốn rất phổ biến tại Việt Nam, có thể đều chọn cách phòng ngự khi lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2011? “Đừng nói chuyện ngân hàng sẽ thắt chặt cho vay mà ngay cả có cho vay với lãi suất chỉ nhỉnh hơn một chút so với hiện tại thôi thì cũng chẳng doanh nghiệp nào dám vay”, đại diện một doanh nghiệp trong ngành thép nói.
Thực chất, đâu chỉ các doanh nghiệp tư nhân, chưa cổ phần cảm thấy khó thở với chuyện lãi suất mà ngay cả các doanh nghiệp cổ phần hoặc niêm yết cũng đang xếp hạng vốn vay ngân hàng ở mức không còn hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định: “Có lẽ không doanh nghiệp nào lường trước được biến động lãi suất trong trung và dài hạn. Chiến lược của tôi là ưu tiên vốn cổ phần cho các hoạt động lớn, chỉ dùng vốn vay ngân hàng trong ngắn hạn cho các dự án quy mô nhỏ và bổ sung cho nguồn vốn lưu động”.
REE hoạt động trong lĩnh vực thi công cơ điện công trình, bất động sản, điện lạnh dân dụng và đầu tư chiến lược vào các công ty điện và nước. Bà Thanh cho biết, đối với hoạt động đầu tư chiến lược cần nguồn vốn lớn trong trung và dài hạn, bà chủ trương huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu chuyển đổi.
Trong khi đó, đối với dự án bất động sản Ree Tower (quận 4), bà dùng vốn vay ngắn hạn của ngân hàng, nhưng cũng chỉ 50% (50% còn lại vẫn là vốn cổ phần).
Nhận định về chính sách thả nổi lãi suất, bà Thanh nói: “Để thu hút tiền gửi ngân hàng phải tăng lãi suất huy động thì rõ ràng làm sao họ giảm lãi suất cho vay được. Vấn đề lúc này có lẽ nằm ở tài xoay xở của các doanh nghiệp”.
Ngân hàng cũng tiến thoái lưỡng nan
Khi đề cập đến vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp cũng như biến động lãi suất tác động như thế nào đến nguồn vốn này thì ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, không bình luận. Nhưng ông đặt ngược lại những câu hỏi: “Cứ hình dung một doanh nghiệp xây nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp thì họ lấy tiền đâu ra? Chúng tôi tự hỏi chính mình có đáp ứng nổi nguồn vốn trung và dài hạn này hay không?”.
Bản thân các ngân hàng cũng tiến thoái lưỡng nan với hệ quả của lãi suất thả nổi. Các ông chủ ngân hàng dường như “cảm” nhưng chưa thể “thông” được với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng Giám đốc HD Bank, lý giải: “Lãi suất cho vay bình quân trên thị trường hiện nay thực sự cao và có lẽ cũng quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này không phải do ngành ngân hàng mà do tác động tổng thể của các nhân tố trong nền kinh tế như cung cầu vốn trên thị trường, kỳ vọng lạm phát của người gửi tiền, tỉ giá hối đoái, triển vọng tăng trưởng kinh tế”. Cho nên, ông Đặng cho rằng, ngân hàng của ông không thể giảm lãi suất được nếu không có sự biến chuyển tích cực của tất cả các yếu tố vừa nêu.
Và giải pháp lúc này của các ngân hàng vẫn là áp dụng chính sách lãi suất linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, làm sao để cân bằng lợi ích của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Trong khi các doanh nghiệp đoán già đoán non về việc lãi suất sẽ tăng sau quyết định thả nổi lãi suất thì lãnh đạo của một ngân hàng thương mại cổ phần thuộc nhóm các ngân hàng lớn nhất hiện nay (không muốn nêu tên) cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác về khả năng này. Ông cho rằng, việc tăng hay không tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố.
Thứ nhất là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại. Nếu ngân hàng quản lý thanh khoản tốt, có sự hỗ trợ thanh khoản kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước thông qua thị trường mở thì có thể không xảy ra cuộc đua tăng lãi suất. Thứ 2 là kỳ vọng lạm phát của người gửi tiền. Theo đó, khi kỳ vọng lạm phát của người gửi tiền càng cao, để giữ họ lại, ngân hàng càng phải tăng lãi suất huy động, kéo theo lãi suất cho vay tăng. Và thứ 3 là sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, đẩy lãi suất huy động lên cao để thu hút khách hàng của ngân hàng đối thủ.
Tuy nhiên, ông cho rằng, các ngân hàng không thể đẩy lãi suất huy động lên mức cao không tưởng vì phải cân nhắc khả năng chịu đựng của người đi vay và lợi nhuận của ngân hàng.
Trước mối lo ngại lãi suất cho vay tăng đến mức 17-18%/năm, một số doanh nghiệp đang nghĩ đến việc huy động vốn rẻ qua kênh phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc từ các quỹ đầu tư. Thế nhưng, điều này vẫn là thách thức không chỉ đối với các công ty tư nhân, mà còn cả đối với công ty cổ phần trước yêu cầu hoạt động hiệu quả và minh bạch.
Việc thả nổi lãi suất sẽ kéo dài được bao lâu vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp chắc chắn. Trần lãi suất đã dỡ bỏ (giữa tháng 4.2010) và những lo lắng về việc lãi suất có thể tăng như mức của năm 2008 vẫn có cơ sở. Vào thời điểm đó, lãi suất vay trung và dài hạn đã lên đến hơn 20%, đỉnh điểm lên đến 24% khiến không ít doanh nghiệp phải ngắc ngoải.
Việc hoạch định kế hoạch kinh doanh năm 2011 của doanh nghiệp lúc này không chỉ bị tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bởi cả sức ép tâm lý, với các câu hỏi về thời hạn áp dụng của chính sách thả nổi lãi suất, động thái của ngân hàng và mức lãi suất sẽ tăng đến bao nhiêu. Và hệ quả của chúng là nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp phòng thủ hơn là đầu tư cho tăng trưởng. Giải pháp này liệu sẽ tác động thế nào đến GDP, khi khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 46% vào GDP (bên cạnh mức 34% của doanh nghiệp Nhà nước và 19% của khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét