(Hiếu học). Sáng tạo không có giới hạn, không có rào chắn. Sáng tạo không phân biệt đúng - sai, hữu ích và không hữu ích.
Một sáng tạo nào đó sẽ nảy sinh, làm sao biết được rằng nó sẽ có hoặc không có giá trị?
Sáng tạo không dành cho riêng ai, ai cũng sáng tạo được, điều cần phải có chỉ là tinh thần ham muốn sáng tạo, và đây chính là cái đẹp tuyệt vời của sáng tạo.
Có sự khác biệt lớn giữa tư duy trí tuệ và nguồn cảm hứng sáng tạo, nhưng thường bởi quá tin vào các chuẩn mực, các ước định, các quy định và sự sợ hãi khi phải vượt qua những thông lệ đó, khiến cho sáng tạo riêng có của mỗi người bị mai một đi.
Hầu hết con người đều luôn muốn sáng tạo, ngay từ thuở trẻ thơ mới học đi đã biết líu lo ca hát, vung chân múa tay theo nhịp, bôi bôi xóa xóa vẽ những thứ không thành hình. Nhưng tại sao, khi dần dần lớn lên lại từ bỏ khả năng sáng tạo tiềm ẩn của mình, hứng thú của mình? Tự đánh mất rất nhiều niềm vui của mình, cho rằng: sáng tạo là đặc quyền dành riêng của một số người, của những nghệ sĩ và những thiên tài, riêng mình thì không?
Bạn có sẵn lòng cho câu trả lời, làm thế nào để thực hiện điều đó, bắt đầu từ nơi nào bất kỳ, và sau đó thì nhảy vào không? Đôi khi để đạt được những điều mới, bạn cần có một cú nhảy của lòng tin.
Nhận biết cho được: Nguyên nhân là do thành kiến, do sự quy định của con người về đúng và sai, về hữu ích và không hữu ích khi giải quyết vấn đề. Nó đã làm nên một hố sâu ngăn cách giữa bạn và sáng tạo, bạn cần một sự can đảm để có bước nhảy đột phá diệu kỳ vượt qua nó và bạn sẽ hài lòng.
“Một cậu bé, khó khăn lắm mới tìm được cách leo rào vào vườn cây ăn trái của người khác, cuối cùng thì cậu cũng vào được, người mướt mồ hôi. Không may, chưa được bao lâu thì người chủ vườn xuất hiện, cậu bỏ chạy và “phóc”, cậu đã vượt qua hàng rào một cách dễ dàng, nhanh chóng, để ở bên ngoài”.
Có lẽ các bạn đã từng gặp những trường hợp tương tợ: Chính sự bối rối khi tìm phương cách hữu ích nhất để vượt qua trở ngại, nó lại trở thành phức tạp và ngăn trở khả năng tiềm ẩn của con người.
Vấn đề bởi: ở thái độ, ở tinh thần, ở quan niệm cũ rich là phải đẹp, phải hữu ích, phải đúng…đã cản trở không cho ý tưởng sáng tạo lộ diện. Chính bởi quan niệm hẹp hòi đó khiến bạn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, loay hoay chạy theo cái đẹp, cái đúng nào đó để rồi không thể vượt qua cái đẹp, cái đúng đó được. Có chăng chỉ là sự sao chép hoặc thay đổi nhàm chán từ đỏ ra xanh thế thôi.
Tuy nhiên, thành kiến đã sâu đậm thì khó mà thay đổi để tiếp thu cái mới.
Vì vậy, trong nhiều phương pháp sáng tạo của những người đi trước và đã thành công, họ đề nghị: ” Nên có một giai đoạn thảnh thơi sau căng thẳng”, nghĩa là “quên phức nó đi” sau khi đã tìm hiểu, thu thập và xác định vấn đề trong quá trình đi tìm ý tưởng.
“Quên phức nó đi” để tư duy không còn bận rộn với những thành kiến, những tính toán so đo hữu ích và không hữu ích...; để sự sáng tạo, trí tưởng tượng được tự do bay bổng theo tự nhiên của nó..
“Quên phức nó đi” để phát triển khả năng làm chủ tâm trí, để xóa bỏ mọi thái độ tiêu cực ảnh hưởng từ những thất bại trong quá khứ, để vượt qua được nỗi sợ hãi và làm bạn với chúng.
“Quên phức nó đi” để tâm hồn sáng tạo được biểu lộ, để đón nhận sự diệu kỳ của bước nhảy đột phá, để thoát khỏi những quy định, những ước định, những hành vi xưa cũ vô vị.
Hãy mở rộng cửa Tâm hồn sáng tạo để óc tưởng tượng có đủ điều kiện phát huy những hình ảnh trong tâm trí trở thành sức mạnh sáng tạo. Sự sáng tạo này có khả năng nhìn thấu suốt một cách tinh tế, nó hướng dẫn bạn trên con đường riêng của mình, giúp bạn biết cách giải quyết vấn đề, giúp bạn vượt thoát khỏi những ước lệ, những lề thói xưa cũ lạc hậu và bế tắc. Đó là sự thay đổi, đánh thức sự sáng tạo để cảm nhận cái mới mỗi lúc mỗi khác, muôn màu muôn vẻ…
Với cái nhìn rộng mở, cuộc sống của bạn sẽ mở rộng. Sống để làm gì, chẳng phải hứng thú sáng tạo là một trong những lý do cho sự có mặt của bạn trên đời này sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét