Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và cả Đông Á “mới nổi” là những hộ vệ nhiệt thành nhất cho vị thế thống trị của đồng Đôla Mỹ.
Khi các lãnh đạo nhóm G20 nhóm họp tại Seoul, ắt đã có không ít những lời buộc tội về tình hình căng thẳng trên thị trường ngoại hối thế giới hiện nay.
Mỹ nói tại Trung Quốc không để nhân dân tệ (NDT) lên giá. Trung Quốc bẻ lại nguồn cơn lớn nhất của mọi méo mó trong nền kinh tế thế giới là chính sách tiền tệ siêu lỏng của Mỹ.
Các nền kinh tế mới nổi lớn tiếng mình chỉ là nạn nhân vô tội vì đồng tiền của họ lên giá do dòng vốn ngoại tìm kiếm lợi suất cao ào ạt đổ vào.
Vấn nạn ẩn đằng sau những tranh cãi ấy không chỉ hời hợt như thế. Cơ bản là không ai vui vẻ gì với hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay, từ các quy tắc, tiêu chuẩn đến các thể chế chi phối tiền tệ và dòng vốn xuyên biên giới.
Hiện tồn tại ba sự bất bình phổ biến nhất.
Thứ nhất là vị thế thống trị của đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ và cách Mỹ điều hành đồng tiền của mình.Đa số giao dịch và dự trữ ngoại hối là dưới dạng USD, cho dù Mỹ chỉ chiếm có 24% GDP toàn cầu (xem đồ thị 1).
Thương mại quốc tế đa phần được thanh toán bằng USD. Với nhiều người thế thượng phong của USD trong thương mại, định giá hàng hóa và dự trữ ngoại hối là điều không thể hiểu được.
Điều đó không những phản ánh sai tình hình kinh tế thế giới mà còn khiến các nước khác dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của bản thân nước Mỹ.
Thứ hai, hệ thống ấy đã tạo ra những kho dự trữ ngoại hối khổng lồ, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi. Dự trữ toàn cầu đã tăng từ 1,3 nghìn tỷ USD (5% GDP toàn cầu) năm 1995 lên 8,4 nghìn tỷ USD (14% GDP toàn cầu) hiện nay.
Trong đó các nền kinh tế mới nổi nắm 2/3 mà phần lớn là được tích trữ trong vòng 10 năm trở lại đây (xem đồ thị 2).
Kho dự trữ khổng lồ ấy đi ngược lại logic kinh tế vì các nước nghèo đáng lẽ rất cần vốn đầu tư tại nước mình lại đang cho các nước giàu, mà chủ yếu là Mỹ, vay với lãi suất rẻ mạt.
Những khoản cho vay ấy đẩy lãi suất dài hạn tại Mỹ xuống thấp khiến khủng hoảng tài chính càng dễ nổ ra hơn. Ngày nay, khi người Mỹ tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu và thế giới cần thêm sức cầu, kho dự trữ ấy chính là những khoản tiết kiệm không cần thiết.
Thứ ba là quy mô và sự bất ổn của các dòng vốn. Ba thập kỷ qua khủng hoảng tài chính nổ ra thường xuyên hơn.
Nhiều chính trị gia cho rằng một hệ thống tài chính trong đó các nền kinh tế mới nổi có thể bị tổn hại bởi dòng vốn ngoại ào ạt đổ tới (như bây giờ) hoặc đột ngột khô cạn (như hồi 1997-1998 hay năm 2008) không thể là nền tảng tốt nhất cho tăng trưởng dài hạn.
Pháp, quốc gia sẽ giữ ghế Chủ tịch G20 sau Hội nghị Seoul, cho rằng thế giới có thể tìm được cách tốt hơn.
TT Pháp Nicolas Sarkozy muốn đặt cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế lên hàng đầu trong chương trình nghị sự năm tới. Ông muốn tranh luận thẳng thắn xem nên cải thiện một hệ thống đã lỗi thời như thế nào.
Vài thập kỷ nay một cuộc tranh luận như thế thực tế thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Kể từ sau khi hệ thống Bretton Woods thời hậu chiến với tỷ giá cố định có điều chỉnh sụp đổ vào thập kỷ 70, giới học giả đã đưa ra nhiều phiên bản giả tưởng mới.
Câu hỏi đặt ra là liệu những cải tiến ấy có khả thi không?
Định hướng của bất kỳ hệ thống tiền tệ nào cũng chịu giới hạn của cái gọi là “bộ ba bất khả thi” trong kinh tế quốc tế.
Nếu vốn tự do chu chuyển xuyên biên giới, các quốc gia phải lựa chọn giữa cố định tỷ giá và độc lập về chính sách tiền tệ. Họ không thể chọn cả hai.
Thời bản vị vàng thế kỷ 19, vốn được tự do chu chuyển và các đồng tiền được gắn với vàng. Hệ thống ấy sụp đổ chủ yếu vì các chính phủ không thể linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ.
Dưới chế độ Bretton Woods, các đồng tiền đều được neo vào USD và USD lại được neo vào vàng. Chu chuyển vốn bị hạn chế vì thế các quốc gia kiểm soát được tình hình tiền tệ nước mình.
Hệ thống ấy sụp đổ năm 1971 vì Mỹ không muốn chính sách đối nội của mình phải phụ thuộc vào vàng.
Hệ thống ngày nay chẳng có bất kỳ “bản vị” nào cả và bao gồm nhiều cơ chế tỷ giá và kiểm soát vốn.
Đồng tiền của phần lớn các nước giàu đều được thả nổi tương đối tự do. Kiểm soát vốn được dỡ bỏ ba thập kỷ trước và thị trường tài chính đã hội nhập khá cao.
Nhìn chung, dòng chu chuyển vốn ở các nền kinh tế mới nổi cũng tự do hơn nhờ cả toàn cầu hóa lẫn việc dỡ bỏ các cấm đoán cũ.
Dòng vốn ròng của khu vực tư nhân đổ vào các nền kinh tế này năm nay có lẽ sẽ lên tới 340 tỷ USD so với 81 tỷ USD một thập kỷ trước.
Về lý thuyết thì cơ chế tỷ giá cũng trở nên linh hoạt hơn. Khoảng 40% các nước mới nổi chính thức thả nổi đồng tiền, tăng so với 20% 15 năm trước đây.
Nhưng phần lớn sự “thả nổi” này lại bị “điều tiết” chặt chẽ. Các nước không muốn đồng bản tệ biến động quá tự do. Khi vốn đổ vào, NHTW mua ngoại tệ để ngăn nội tệ tăng giá.
Họ làm thế phần nào vì chính phủ không muốn tỷ giá tăng đột ngột làm tổn hại đến các nhà xuất khẩu. Họ muốn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và một đồng tiền bị định giá thấp hỗ trợ.
Quan trọng không kém là những ký ức để lại từ cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 90. Dòng vốn ngoại tháo chạy châm ngòi cho những đợt suy thoái đau đớn.
Chính phủ nhiều nền kinh tế mới nổi kết luận rằng trong cái thời toàn cầu hóa tài chính này muốn an toàn thì hãy dự trữ thật nhiều.
Logic ấy lại càng được củng cố trong cuộc khủng hoảng năm 2008 khi các nước nhiều dự trữ như Trung Quốc hay Brazil chống chịu tốt hơn những nước ít vốn trong tay.
Dù đã dự trữ tới 25% GDP, Hàn Quốc vẫn phải gõ cửa xin FED hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp bằng USD. Kinh nghiệm ấy khiến họ phải nghĩ lại mức dự trữ “an toàn” là bao nhiêu.
Các nhà kinh tế từng cho rằng các nước phát triển cần ngoại hối chủ yếu để nhập khẩu khẩn cấp và thanh toán nợ trong ngắn hạn. Một nguyên tắc phổ biến trong những năm 90 là các nước nên có đủ ngoại tệ để thanh toán nghĩa vụ nợ trong năm đó. Nay con số họ cần lớn hơn nhiều.
Trong các nền kinh tế mới nổi, đến nay Trung Quốc là nước có nhiều ảnh hưởng nhất tới hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Họ là nước lớn nhất và thực tế đồng bản tệ của họ cũng neo vào USD. Hầu như ai cũng cho rằng NDT bị định giá thấp cho dù tỷ giá thực tế của nó tăng nhanh hơn nhiều so với tỷ giá danh nghĩa.
Vì Trung Quốc hạn chế dòng di chuyển vốn mạnh mẽ và cũng thành công hơn các nước khác nên họ phải giữ đồng NDT yếu nếu không lạm phát sẽ bùng lên.
Một mình Trung Quốc chiếm một phần không nhỏ trong kho dự trữ ngoại hối toàn cầu (xem đồ thị 3). Mỗi hành động của họ đều ảnh hưởng tới các nước khác.
Nhiều nền kinh tế mới nổi khác, đặc biệt là ở Châu Á, đều miễn cưỡng để đồng nội tệ tăng giá vì sợ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh.
Kết quả là nhiều nền kinh tế mạnh mẽ nhất thế giới hiện nay đang bảo vệ cho đồng USD, theo một thỏa ước từng được đặt tên là “Bretton Woods 2”.
Hãy đứng vững trên đôi chân của mình ,dù cho bạn không thể thực hiện nổi những bước nhảy thì ít ra bạn cũng bước được những bước chậm rãi......
Tìm kiếm
Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010
Thế giới cần một hệ thống tiền tệ quốc tế khác
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét