Tìm kiếm

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Công ty chứng khoán "nằm lòng" việc "làm giá"?

Muốn thị trường phát triển minh bạch thì UBCKNN chỉ nên kiểm soát chặt các công ty chứng khoán, kiểm tra những dấu hiệu bất thường xảy ra với thị trường và đặc biệt hạn chế các công ty tham gia vào việc làm giá cùng các DN.
Đây là ý kiến của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính với DNSGCT trước việc thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua liên tục xuất hiện những nghi vấn về "làm giá chứng khoán", với đủ các chiêu thức từ đơn giản tới tinh vi.
Cơ quan quản lý đừng chăm bẵm những việc nhỏ!
Mặc dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã nhiều lần tăng mức phạt, song dường như các vụ "làm giá cổ phiếu" không giảm mà còn có xu hướng ngày càng tăng.
Nói về chuyện "làm giá", ông Hiển cho rằng cần có nhìn toàn diện hơn. Bởi, làm giá là bản chất của thị trường và bất kỳ thị trường nào cũng có NĐT và nhà đầu cơ.
Nếu nhà đầu tư thấy có cơ hội, họ có quyền làm giá để tìm kiếm lợi nhuận, có điều cần phải công khai và thực hiện đúng pháp luật về việc làm đó.
Như vậy, để bảo vệ nhà đầu tư trong vấn đề làm giá thì phải xem xét nhà đầu tư đó như thế nào. Ví dụ, một nông dân trồng lúa bị thua lỗ vì được mùa nhưng lại không có người mua, hoặc người mua cố tình ép giá thì chúng ta nên bảo vệ người bán.
Còn với những nhà đầu tư thua lỗ trên TTCK thì họ đã chấp nhận bỏ tiền mua theo những nhà đầu cơ, rồi đến lúc thua lỗ lại kêu than đòi được bảo vệ thì nghe thật khó "lọt tai".
"Tôi lấy ví dụ, cổ phiếu DTH có mức giá từ 30.000 đồng, sau vài tháng đã tăng lên rất mạnh. Vậy người mua phải xem sản phẩm đó có tốt hay không, họ cần phải phân tích trước khi mua một cổ phiếu.
Nếu họ chỉ mua theo để đến lúc bị thua lỗ thì lúc đó họ phải chấp nhận. Họ cần hiểu đó là học phí đầu tư của chính họ. Cho nên, tôi cho rằng chúng ta cần có quan điểm rõ ràng về khái niệm "làm giá" trong TTCK", ông Hiển nói.
Về vai trò của UBCKNN và các Sở giao dịch Chứng khoán, ông Hiển quan điểm, các cơ quan này chỉ có khả năng kiểm tra sau khi sự việc đã xảy ra. Về cơ bản, họ chỉ có thể làm nhiệm vụ như những người hậu kiểm nên cũng không nên trông chờ gì nhiều và đừng bắt họ phải làm việc quá sức với khả năng.
"Để đảm bảo sự ổn định phát triển lành mạnh thì chúng ta không nên quá chăm bẵm vào những vấn đề nhỏ như mức phạt bao nhiêu hay bắt bao nhiêu nhà đầu tư...
UBCKNN nên xem xét những vấn đề lớn hơn, như tạo thêm nhiều sản phẩm tốt tham gia thị trường. Một khi thị trường có nhiều hàng hóa tốt thì buộc các DN phải có chiến lược phát triển tốt để thu hút nhà đầu tư", ông kiến nghị.
Theo ông Hiển, hiện chỉ có các công ty chứng khoán mới là tổ chức có thể chặn trước việc làm giá trên thị trường chứng khoán. Bởi các công ty chứng khoán luôn nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo từng cổ phiếu và họ có thể nắm rõ cổ phiếu của doanh nghiệp đó có làm giá hay không, kể cả trong quá khứ, thậm chí cả tương lai.
Do vậy, muốn thị trường phát triển minh bạch thì UBCKNN chỉ nên kiểm soát chặt các công ty này, kiểm tra những dấu hiệu bất thường xảy ra với thị trường và đặc biệt hạn chế các công ty tham gia vào việc làm giá cùng các DN.
Bên cạnh đó, cũng phải nhìn đến trách nhiệm của DN, vì không loại trừ trường hợp một số lãnh đạo DN cũng vì lợi ích của bản thân nên cấu kết với các "lái tàu", công bố thông tin một cách mập mờ, thậm chí vô trách nhiệm.
Ngoài ra, cần phải tăng việc tổ chức thông tin minh bạch, tăng thêm nhiều cơ quan ngôn luận chuyên ngành để mổ xẻ, phân tích thị trường một cách sát sườn. Đi kèm đó, cơ quan quản lý cần đưa ra những công vụ soi giá xuống, giá lên một cách nhanh nhất để hạn chế việc bán khống của các nhà đầu tư, khi đó vi phạm sẽ giảm dần.
Như vậy, làm thế nào để nâng cấp chất lượng công bố thông tin của DN hiện nay vẫn là một câu hỏi lớn. Bên cạnh đòi hỏi tính tự giác của DN thì có lẽ, những chế tài nghiêm khắc cho việc giải trình thiếu trung thực cũng là điều cơ quan quản lý cần tính tới.
Phong tỏa tài khoản đối tượng làm giá chứng khoán
Báo Tuổi Trẻ cho hay, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã yêu cầu Trung tâm lưu ký chứng khoán và bốn công ty chứng khoán phong tỏa tài khoản của ông Lê Văn Dũng - nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP dược Viễn Đông - đã bị bắt để điều tra về hành vi thao túng giá chứng khoán.
Cùng bị phong tỏa còn có Công ty CP y tế Medi, Công ty CP phát triển thương mại và kỹ thuật Hoàn Thiện cùng 13 cá nhân khác có liên quan.
Liên quan đến Cổ phần dược Viễn Đông, cổ phiếu DVD của công ty này đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 2/12. Thời gian giao dịch cổ phiếu này chỉ được thực hiện 15 phút trong phiên định kỳ xác định giá đóng cửa.
Công ty Cổ phần dược Viễn Đông (DVD) sẽ bắt đầu hoàn trả tiền cho các cổ đông đã nộp tiền mua cổ phiếu (CP) phát hành thêm kể từ ngày 11/12. Đây là lần đầu tiên tại thị trường chứng khoán Việt Nam, một công ty bị buộc phải đình chỉ đợt huy động vốn, trả lại tiền cho cổ đông.
Trước đó ngày 19/11, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã đình chỉ có thời hạn đợt phát hành tăng vốn của DVD. Lý do là DVD đã đưa vào bản cáo bạch một số thông tin sai lệch và bỏ sót một số thông tin quan trọng mà theo SSC, có thể gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.
Sau đó, dù DVD đã giải trình nhưng SSC vẫn yêu cầu phải tiếp tục giải trình vì nội dung giải trình chưa đạt yêu cầu.
DVD phải giải trình ít nhất ba vấn đề trong bản cáo bạch chào bán cổ phiếu, mà theo SSC là chưa đầy đủ.
Đầu tiên là trong một phụ lục của bản cáo bạch, phần nói về dự án Nhà máy bào chế dược phẩm Lili of France, một công ty con của DVD, có đề cập đến một cổ đông nước ngoài của Lili of France là Công ty YVery (Pháp). Trong nội dung giới thiệu về YVery, phía DVD giới thiệu khá hoành tráng như doanh thu của đơn vị này năm 2008 là hơn 7 triệu USD, với hai sản phẩm Revaton 10mg và 20mg có doanh số xuất sang châu Âu khá lớn...
Tuy nhiên, đây là thông tin đã được DVD thổi phồng, trong thực tế YVery có doanh thu thấp hơn nhiều, cũng chẳng có các sản phẩm nêu trên. Cũng trong bản cáo bạch, tại mục "các hợp đồng lớn đang thực hiện hoặc đã ký kết", DVD đã liệt kê tổng cộng gần 30 hợp đồng mua và bán sản phẩm, nhưng trong danh sách này có một số hợp đồng đã hết hạn, DVD đã hoàn tất trước đó.
Trong khi đó, DVD lại "quên" đưa vào bản cáo bạch các hợp đồng mua sắm tài sản cố định vô hình như giấy phép sản xuất thuốc.
Nhà đầu tư mua CP của DVD đã bị thiệt sau khi đợt phát hành có vấn đề. Thế nhưng, theo anh Minh - nhà đầu tư, lãnh đạo DVD lại giải thích phương án phát hành bị tạm hoãn do sự sai lệch của bản cáo bạch nhưng sai lệch này là do... hacker phá hoại.
Hiện không ít nhà đầu tư đang trong cảnh tiến thoái lưỡng nan, lấy lại tiền hay chờ có quyết định cuối cùng của SSC về phương án phát hành cổ phiếu của DVD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét