Tìm kiếm

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

“Chảy máu chất xám” hay “hưởng lợi chất xám”?


Thực ra nước nghèo hưởng lợi khi các công dân ưu tú nhất của họ di cư ra nước ngoài.
Khi người tại các nước giàu nghĩ đến hoạt động di cư, họ thường nghĩ đến lao động phổ thông tranh nhau công việc có mức lương thấp như xây dựng, rửa chén đĩa hay làm nông nghiệp.
Khi người tại nhóm nước đang phát triển nghĩ về di cư, họ thường quan tâm đến triển vọng làm việc tại thung lung Silicon (thủ phủ ngành công nghệ Mỹ) hay bệnh viện, đại học tại các nước phát triển. Chính phủ các nước phát triển thường cố gắng thu hút nhóm lao động này bằng các quy định nhập cư riêng.
Kết quả của nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy nhóm người học vấn cao tại các nước đang phát triển thường muốn di cư. Theo một số tính toán, khoảng 2/3 nhóm người có học vấn cao của quốc đảo Cape Verdeans sống bên ngoài nước này.
Trong cuộc khảo sát đối với các hộ gia đình Ấn Độ vào năm 2004, người tham gia khảo sát được hỏi về thành viên của gia đình đã chuyển ra nước ngoài.
Gần 40% người đã di cư có học vấn cao trong khi đó tỷ lệ có học vấn cao trong nhóm người Ấn Độ trên 25 tuổi chỉ đạt 3,3%. Nhà hoạch định chính sách tại các nước nghèo hết sức lo lắng về tình trạng chảy máu chất xám này.
Họ sợ điều đó gây tổn hại đến nền kinh tế của họ, lấy đi của nước họ những nhân sự tài năng lẽ ra đã dậy tại đại học, làm việc trong bệnh viện và mang đến sản phẩm sáng tạo cho thị trường nước họ.
Nhiều người hiện rất quan tâm đến vấn đề này. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng thuyết chảy máu chất xám không đủ để nói về ảnh hưởng tích cực từ kiều hối, lợi ích mà nhóm người trở về nước được hưởng và việc viễn cảnh được đến sống tại đất nước có đời sống tốt đẹp hơn khuyến khích con người ta học tập nhiều hơn.
Một số người cho rằng một khi các yếu tố này được tính đến, cuộc di cư của nhóm người trình độ cao cuối cùng sẽ mang lại lợi ích ròng cho nước mà họ ra đi. Nghiên cứu về hoạt động di cư từ nhóm nước xa xôi như Ghana, Fiji, Ấn Độ, Rumani đã cho thấy lý do đáng để ủng hộ ý tưởng “hưởng lợi chất xám”.
Đóng góp dễ nhìn thấy của nhóm người đã di cư cho đất nước của họ chính là kiều hối. Ngân hàng Thế giới công bố người lao động đến từ nhóm nước đang phát triển gửi về nước tổng số 325 tỷ USD trong năm 2010.
Tại Lebanon, Lesotho, Nepal, Tajikistan và một số nước khác, kiều hối đóng góp hơn 20% GDP. Một lao động nhập cư trình độ tốt sẽ kiếm được thu nhập cao gấp nhiều lần so với việc nếu người đó làm việc tại quê hương.
Người Rumani nhập cư vào Mỹ kiếm được thu nhập cao hơn trung bình 12.000USD so với mức tại Rumani, khoản tiền rất lớn đối với người lao động tại nước mà thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 7.500USD (tính theo tỷ giá thị trường).
Phải thừa nhận thực tế nhiều lao động nhập cư trình độ cao được đào tạo nhờ nguồn kinh phí của chính phủ nước họ (thường khá nghèo). Một số người cho rằng chính phủ các nước nghèo nên nghĩ lại về việc họ sẽ chi tiền cho giáo dục bậc sau đại học như thế nào.
Người Ấn Độ thường tranh cãi liệu chính phủ có nên tiếp tục trợ cấp Viện công nghệ Ấn Độ (IITs), trường đào tạo kỹ sư cao cấp, nơi rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc tại thung lũng Silicon hay phố Wall.
Nghiên cứu về kiều hối của nhóm người nhập cư từ Ghana cho thấy trung bình số tiền mà nhóm người này gửi về trong suốt cuộc đời làm việc của họ cao hơn nhiều lần so với lượng tiền đã được chi ra để đào tạo họ. Một khi kiều hối được tính vào, chi phí giáo dục sẽ phải cao gấp 5,6 lần con số chính thức mới có thể nói Ghana đang thiệt.
Có nhiều cách để chỉ ra việc nhóm lao động có trình độ giúp đỡ nước họ như thế nào. Một số người nhập cư hẳn đã thất nghiệp nếu họ ở lại nước họ. Tỷ lệ người có thất nghiệp có bằng đại học tại nhóm nước như Morocco và Tunisia cao hơn nhiều so với nhóm trình độ thấp, có thể bởi người có bằng cấp khó tính hơn. Hoạt động di cư sẽ giúp trình độ và kỹ năng của người lao động mang lại hiệu quả tối đa. Lợi ích này sau đó sẽ trở lại nước sở tại, trực tiếp nhất thông qua kiều hối.
Khả năng di cư có thể có lợi cho những ai chọn hướng ở lại. Nó mang đến cho người tại các nước nghèo động lực đầu tư vào giáo dục. Nghiên cứu tại quốc đảo Cape Verdeans cho thấy cứ thêm 10% người trẻ nhận thức về khả năng di cư, số người học hết trường cấp 2 tăng thêm 8%.
Năm 1987, một số người dân gốc Ấn Độ tại đất nước nhỏ bé Fiji đã cho rằng quyền lợi việc làm và sức mạnh chính trị của họ bị hạn chế. Làn sóng di cư dâng cao. Người trẻ Ấn Độ tại Fiji muốn di học đại học hơn ngay cả khi triển vọng kinh tế nước họ u ám, một phần bởi chính phủ Úc, Canada và New Zealand, 3 điểm đến ư thích của người Fiji, đưa ra chính sách thu hút nhân tài. Một nhóm nhất định trong số người lao động có trình độ cao ở lại được nước ngoài, trình độ kỹ năng chung của người dân Fiji cải thiện mạnh.
Hộ chiếu đến sự giàu có
Người di cư sẽ có thể mang đến thay đổi trực tiếp cho nước họ. Trong cuốn sách gần đây về người di cư Ấn Độ, giáo sư Devesh Kapur của đại học University of Pennsylvania chỉ ra những người Ấn Độ thuộc thung lũng Silicon đã giúp định hình cấu trúc của các công ty công nghệ liên doanh Ấn Độ.
Ông cũng khẳng định nhóm người này đã giúp các công ty phần mềm Ấn Độ thâm nhập vào thị trường Mỹ bằng cách xác nhận về chất lượng của các công ty. Cuối cùng, những người đã di cư sẽ có thể trở về nhà, với kiến thức và kỹ năng mà có lẽ họ khó có thể học được nếu không ra nước ngoài.
Nghiên cứu về nhóm người di cư Rumani cho thấy người trở về thường có mức lương cao hơn trung bình từ 12% đến 14% so với nhóm người chọn làm việc tại đất nước. Để cho người có học đi đến nơi đâu họ muốn có lẽ là lựa chọn tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét