Nguyên tắc nổi tiếng của Warren Buffett là “Đừng bao giờ đầu tư vào một lĩnh vực mà bạn không có hiểu biết gì".
Tuy nhiên thương vụ đầu tư vào Tập đoàn BYD Trung Quốc của ông lại thuần túy dựa trên trực giác, bản năng.
Trong giới đầu tư, việc tuân theo một số nguyên tắc nhất định thể hiện sự chuyên nghiệp, nhất quán và là nền tảng để gặt hái thành công. Tuy nhiên giới kinh doanh cũng từng chứng kiến không ít thương vụ thành công đến từ sự phá rào, đầu tư phiêu lưu thuần túy dựa trên trực giác, bản năng.
Warren Buffett đã chứng minh điều này qua thương vụ đầu tư vào Tập đoàn BYD, một trong những nhà chế tạo sản phẩm năng lượng như pin, điện mặt trời và sản xuất ôtô hàng đầu Trung Quốc. Khi cân nhắc đầu tư vào BYD, ông nói: “Tôi chẳng biết chút gì về pin hay điện thoại di động...”.
Vào thời điểm ông quyết định mua 225 triệu cổ phiếu của BYD năm 2008, giá trung bình chỉ có 8 HKD một cổ phiếu, đúng vào giai đoạn kinh tế thế giới chìm trong khủng hoảng. Nhưng đến nay giá trị số cổ phiếu trên đã tăng hơn 3,5 lần.
Những ấn tượng mà Wang Chuan-Fu, nhà sáng lập của BYD tạo được trước những đồng sự của Buffett và ông là yếu tố quyết định cho thương vụ. Ấn tượng đầu tiên là khi người bạn, cộng sự lâu năm của Buffett, Charlie Munger giới thiệu với ông về Wang Chuan-Fu: “Tay này là một sự kết hợp giữa Thomas Edison và Jack Welch (cựu lãnh đạo General Electric) ở điểm anh ta có thể giải quyết các vấn đề kỹ thuật giỏi như Edison và xoay xỏa các vấn đề xuất sắc như Welch”. Lời giới thiệu này có rất nhiều ý nghĩa bởi vị Phó chủ tịch 85 tuổi của Berkshire Hathaway, Munger nổi tiếng khắt khe với các mọi ý tưởng đầu tư. Quan tâm bởi những lời khen ngợi của Munger, Buffett đã nhờ một cộng sự thân tín khác, David Sokol, Chủ tịch của một công ty về năng lượng thuộc Berkshire có tên MidAmerican Energy bay tới Trung Quốc để tìm hiểu kỹ hơn về BYD.
Là một nhà hóa học và nghiên cứu, Wang Chuan-Fu bắt đầu xây dựng BYD (Build Your Dreams) từ năm 1995 ở Thẩm Quyến với 300.000 USD vay mượn từ họ hàng. Ông thuê một mảnh đất 2.000 m2 để xây một nhà xưởng chế tạo pin sạc nhằm cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ Sony và Sanyo. Sau 5 năm, BYD đã trở thành một trong những nhà sản xuất pin điện thoại di động lớn nhất thế giới. BYD sau đó thiết kế và sản xuất điện thoại di động và các bộ phận cho Motorola, Nokia, Sony Ericsson và Samsung.
Năm 2009, Wang Chuan-Fu trở thành người giàu nhất Trung Quốc với số tài sản 5,1 tỷ USD.
Wang bước chân vào lĩnh vực sản xuất ôtô năm 2003 thông qua việc mua lại một công ty ôtô của nhà nước. Ông không có chút kinh nghiệm nào trong việc chế tạo ôtô nhưng đã chứng tỏ có khả năng học hỏi rất nhanh. Dòng xe sedan F3 của BYD nhanh chóng vượt qua các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Volkswagen Jetta and Toyota (TM) Corolla để nắm vị trí dòng xe bán chạy nhất Trung Quốc.
Tiếp đến, BYD đã có một bước đi vượt mặt so với các đối thủ GM, Nissan và Toyota khi bán ra dòng xe chạy điện kèm một động cơ phụ chạy xăng. Mẫu xe này, F3DM, có thể chạy gần 100 km cho mỗi lần sạc, xa hơn bất kỳ loại xe điện nào cùng phân khúc. Nó được bán với giá chỉ 22.000 USD, rẻ hơn nhiều so với các đối thủ khác. Ngày nay, công ty có 130.000 nhân viên tại 11 nhà máy, trong đó 8 ở Trung Quốc và 3 ở Ấn độ, Hungary và Romania. Về các sản phẩm công nghệ khác, BYD đang sản xuất 80% mẫu điện thoại di động RAZR của Motorola, pin cho iPods, iPhones và các máy xách tay giá rẻ.
Khi Berkshire Hathaway mua lại 10% của BYD, thương vụ này ít được chú ý vì thế giới tài chính còn mải chống chọi với suy thoái. Nhưng với Buffett, Munger và Sokol, đây là một vụ lớn. Họ đều đồng ý BYD có cơ hội trở thành nhà chế tạo ôtô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực xe điện cũng nhà là người đi đầu trong ngành công nghiệp năng lượng mặt trời.
Rõ ràng, Buffett, nhà đầu tư được tôn sùng nhất thế giới, không phải lúc nào cũng sẽ luôn giữ vững nguyên tắc của mình. Ông giải thích về hành động này: “Charlie Munger và Dave Sokol là những tay thông minh và họ biết về công ty đó. Không có gì phải thắc mắc về những điều BYD đã đạt được từ năm 1995 bởi đó là những điều phi thường...".
Điều gây ấn tượng nhất với Buffett đó là hành động Wang từ chối bán 25% cổ phiếu của công ty dù Wang cần Buffett nhằm cải thiện thương hiệu và mở ra cánh cửa vào thị trường Mỹ. “Người đàn ông này không muốn bán công ty của mình. Đó là tín hiệu tốt", Buffett nói
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét