Tìm kiếm

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Làm thế nào để chặn đà tăng tỷ giá?


Để chặn đà giảm giá một đồng tiền, phải làm cho nó khan hiếm đi trên thị trường trong tương quan với một đồng tiền khác.
Giá của một đồng tiền cũng như giá các hàng hóa khác sẽ tăng khi khan hiếm và giảm khi dư thừa. Vì vậy để chặn đà giảm giá một đồng tiền, phải làm cho nó khan hiếm đi trên thị trường trong tương quan với một đồng tiền khác.
Thứ Sáu tuần trước, đúng một tuần sau khi tỷ giá chính thức được điều chỉnh tăng thêm 9,3%, tỷ giá ở thị trường tự do lại tăng thêm một mức tương ứng, làm cho chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá bên ngoài trở về như trước lúc điều chỉnh. Đây là một cuộc rượt đuổi làm thiệt hại cho tất cả mọi người dân, cần phải có biện pháp trong ngắn hạn để chấm dứt đà tăng tỷ giá.
Trong ngắn hạn, để tỷ giá không còn tăng từng ngày như tuần qua, cách thức trực tiếp nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút tiền đồng về hay nói cách khác là bán đô la ra để cung cầu được đáp ứng, lập tức tỷ giá sẽ ổn định ở mức mà NHNN muốn.
Mới nhìn qua, biện pháp này lẽ ra nằm trong tay NHNN vì nhu cầu đô la của thị trường về mặt nguyên tắc được cân bằng bởi cung ứng đô la từ nhiều nguồn như xuất khẩu, kiều hối, đầu tư nước ngoài, vay vốn ODA nhưng thực tế không đơn giản như thế. Đã có nhiều số liệu cho thấy tiền đô la xuất khẩu không được đưa về Việt Nam hay được doanh nghiệp găm giữ trong tài khoản của họ, kiều hối thì trả nguyên đô la cho người nhận; vì thế mới có mục sai số và bỏ sót trong cán cân thanh toán.
Ngược lại nhu cầu của thị trường không dừng ở các khoản chi ngoại tệ bình thường như nhập khẩu, trả nợ... Tâm lý phòng tránh lạm phát, phòng ngừa các đợt điều chỉnh tỷ giá có thể xảy ra làm người dân và doanh nghiệp đổ dồn mua đô la (và vàng - cũng là một dạng nhu cầu cần mua ngoại tệ gián tiếp), làm cung cầu méo mó, không thể nào lượng định được.
Một khi không thể lấy dự trữ ngoại tệ ra bán để ổn định tỷ giá, NHNN chỉ còn một vài biện pháp khác - không tính việc đi vay ngoại tệ ở các định chế quốc tế như quỹ Sáng kiến Chiang Mai của ASEAN hay IMF - để làm cho tiền đồng khan hiếm trên thị trường hòng duy trì giá trị của nó. Đó là tăng lãi suất (mà NHNN đã thực hiện khi tăng lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11% vào tuần trước).
Ở đây điểm đáng lưu ý là biện pháp nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (như Trung Quốc vừa áp dụng, tăng thêm 0,5%, hòng hút ra khỏi lưu thông khoản nhân dân tệ tương đương trên 50 tỉ đô la) đã không được NHNN xét đến vì lo ngại tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Việc tăng lãi suất gặp nhiều sức ép phản đối từ giới doanh nghiệp và ngân hàng, kể cả một số đại biểu Quốc hội cho nên công cụ này khó lòng được NHNN đẩy mạnh trong khi tác dụng lại có độ trễ khá lớn.
Thế nhưng điều NHNN có thể làm trong bối cảnh này là khẳng định một nguyên lý: muốn chống lạm phát, ổn định tỷ giá thì phải nâng lãi suất; ngược lại muốn thúc đẩy tăng trưởng chống suy thoái thì giảm lãi suất; nhưng chỉ có thể chọn một trong hai mục tiêu này chứ không thể vừa “ổn định kinh tế” vừa “duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh”. Đó là cái giá phải trả và xã hội phải hiểu được điều đó.
Nhưng quan trọng hơn, để tiền đồng khan hiếm trên thị trường (tức là tỷ giá sẽ giảm hay ít nhất sẽ không còn tăng mãi), người ta còn chú ý đến nguồn cung tiền từ phía Chính phủ cho các dự án đầu tư công, tín dụng cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu trong và ngoài ngân sách...
Ở góc độ này, Chính phủ cũng đã phát ra thông điệp tích cực theo hướng cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm 10% chi tiêu từ ngân sách, giảm bội chi dưới 5%, không tăng đầu tư xây dựng cơ bản, ngưng xây dựng trụ sở không quan trọng...
Ở hướng ngược lại, có thể thời gian sắp tới sẽ có những đề xuất tăng lượng cung ứng đô la trên thị trường (chứ không chú trọng để giảm lượng tiền đồng) như yêu cầu doanh nghiệp có đô la chỉ được giữ trong một thời gian sau đó phải bán lại cho NHNN. Các biện pháp ngăn chặn tình trạng đô la hóa cũng sẽ được nhấn mạnh vì tình trạng này làm nhu cầu đô la tăng mạnh hơn thực tế. Tất cả đều là giải pháp, vấn đề là đo lường tác động của chúng đồng thời hiệu ứng ngược về mặt tâm lý lâu dài để tránh rơi từ thái cực này sang thái cực khác.
Ý kiến của các chuyên viên kinh tế
Ông Vũ Quang Việt (nguyên là chuyên viên cấp cao của Liên hiệp quốc):
Cái cần biết là hiện nay nhu cầu mua đô la là bao nhiêu và khả năng ngân hàng đáp ứng được bao nhiêu. Điều này thì NHNN có thể nắm được và có thể yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo hàng ngày, kể cả từng giờ nếu muốn. Khi cầu ngoại tệ của các nhà nhập khẩu không được đáp ứng thì tất nhiên là tỷ giá phải tăng. Nếu số thiếu hụt lớn, thì tình hình sẽ nhanh chóng trở nên trầm trọng trong những ngày tới, và cần đến IMF. IMF khi cho vay thì sẽ đòi điều kiện cắt giảm chi tiêu. Điều kiện này hiện nay là cần thiết.
Ông Lê Hồng Giang (chuyên viên tài chính):
Tôi hơi ngạc nhiên là NHNN đã không can thiệp hoặc không tuyên bố mạnh sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối ngay sau khi phá giá. Có khả năng là dự trữ ngoại tệ không còn nhiều hoặc không có tính thanh khoản cao.
Bởi vậy giải pháp của tôi là NHNN cần bơm ngoại tệ ra, nếu thiếu có thể đi vay và thường các khoản vay này được giữ kín. Đồng thời tăng lãi suất tiền đồng thật mạnh để rút tiền đồng khỏi lưu thông, vừa cân bằng lại cán cân tỷ giá vừa chống lạm phát. Chính phủ và NHNN tuyên bố cứng rắn mục tiêu kinh tế quan trọng nhất trong năm nay là giảm lạm phát, do đó Chính phủ sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu và đầu tư như đã làm năm 2008, còn NHNN tuyên bố sẽ giữ lãi suất cao đến khi nào lạm phát giảm.
Ông Huỳnh Thế Du (giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright):
Cách điều chỉnh tỷ giá vừa qua và điều hành hiện nay làm cho người giữ ngoại tệ và vàng cảm thấy mình có lý nên tiếp tục nắm giữ trong khi những ai giữ tiền đồng cảm thấy mình bị thiệt. Điều này làm cho việc lánh nạn khỏi tiền đồng gia tăng nhất là trong bối cảnh lạm phát còn đang căng thẳng hiện nay. Đáng lý ra NHNN cần phải bán đủ ngoại tệ để bình ổn thị trường trong những ngày đầu. Nhưng có vẻ như điều này đã không được thực hiện. Theo tôi, chính sách điều hành tỷ giá nếu không để thị trường quyết định (thả nổi) thì nên làm sao đó là có thể tiên liệu được. Cụ thể ở đây là tỷ giá nên biến động theo lạm phát.
Mức thay đổi tỷ giá sẽ tương ứng với sự chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ. Căn cứ vào một tỷ giá mục tiêu nêu trên, nếu tỷ giá trên thị trường biến động quá mức thì NHNN cần phải can thiệp kịp thời. Song song với giải pháp này cần phải kéo lạm phát xuống một chữ số trong năm nay và dưới 5% trong dài hạn cùng với việc hạn chế nhập siêu là điều hết sức quan trọng. Nếu tỷ giá có thể tiên liệu thì tâm lý găm giữ đô la có thể sẽ giảm đi rất nhiều
Ông Trần Ngọc Thơ (Giáo sư kinh tế):
NHNN có thể tham gia hoán đổi tiền tệ với ngân hàng trung ương các nước trong khuôn khổ Sáng kiến Chiang Mai. Như thế chúng ta không phải mang tiếng là vay mượn mà chỉ là “hoán đổi”. Hình thức hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương được sử dụng có hiệu quả trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Chẳng hạn Việt Nam có thể ký với Singapore một hợp đồng hoán đổi tiền tệ trị giá 10 tỉ đô la tính theo tỷ giá chéo giữa đồng Việt Nam và đô la Singapore trong thời hạn ba năm. Bất kỳ lúc nào tiền đồng mất giá, Singapore sẽ dùng 10 tỉ đô la này để can thiệp vào thị trường để mua tiền đồng, làm cho tiền đồng lên giá trở lại.
Cái giá phải trả của hình thức hoán đổi này là lãi suất hoán đổi. Tuy nhiên cho dù lãi suất có là như thế nào cũng không quan trọng bằng kết quả mà nó mang lại là rồi đây thị trường sẽ không còn kỳ vọng tiền đồng sẽ mất giá nữa do NHNN không đủ khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Ngoài việc tham gia vào Sáng kiến Chiang Mai, Việt Nam còn có thể giam gia hoán đổi tiền tệ song phương với các nước. Các hoán đổi này chủ yếu liên quan đến việc xác định đồng tiền thanh toán trong quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam với các đối tác. Có lẽ đây là giải pháp không thể tốt hơn nữa trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng như thế này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét