Hãy đứng vững trên đôi chân của mình ,dù cho bạn không thể thực hiện nổi những bước nhảy thì ít ra bạn cũng bước được những bước chậm rãi......
Tìm kiếm
Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010
“Oan” cho thông tư chống rửa tiền
Thời gian gần đây, dư luận tỏ ra đặc biệt quan tâm đến Thông tư 148/2010/TT-BTC quy định về chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng (Thông tư 148).
Không ít ý kiến e ngại rằng, một số quy định trong Thông tư này có thể hạn chế dòng tiền vào thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, e ngại này là quá “lo xa”.
Nội dung quan trọng nhất được giới đầu tư quan tâm liên quan đến Thông tư 148 là, việc nhà đầu tư có giao dịch trong ngày đến 200 triệu đồng trở lên phải báo cáo. Theo đó, một số nhà đầu tư cảm thấy không được “thoải mái” khi cho rằng, trước đây giao dịch có thể tới hàng tỷ đồng vẫn không bị ai theo dõi, còn giờ đây, giao dịch trong ngày đến 200 triệu đồng là đã bị “soi kỹ”.
Ngoài ra, theo Thông tư 148, tổ chức báo cáo bắt buộc phải xây dựng và ban hành Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền, nhằm đảm bảo khả năng phát hiện và hạn chế tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi rửa tiền.
Tổ chức báo cáo sẽ kiểm tra kỹ giấy tờ, tài liệu liên quan đến các giao dịch lớn, giao dịch bất thường để phát hiện giao dịch đáng ngờ. Tổ chức báo cáo phải thường xuyên rà soát thông tin về khách hàng, đặc biệt các khách hàng có nghi vấn tiến hành các hoạt động rửa tiền hoặc khách hàng có tên trong danh sách cảnh báo của Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài các nhà đầu tư, đại diện một số công ty chứng khoán cũng cho rằng, với việc phải tuân thủ các quy định của Thông tư 148, có nghĩa là họ phải “ôm” thêm việc vào mình. Trong khi các công việc khác của họ còn đang bề bộn làm không xuể thì việc phát sinh thêm việc do những quy định mới rõ ràng khiến cho nhiều công ty chứng khoán cảm thấy không thoải mái.
Ông Ngô Đức Dũng, một nhà đầu tư trên TTCK nhận xét, quy định các giao dịch lớn phải báo cáo thực chất không mang tính can thiệp trực tiếp vào TTCK, nhưng cũng gây ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý. Theo đó, khi các nhà đầu tư cảm thấy mọi hành động của họ đều bị dõi theo, nên chắc chắn phải e ngại hơn. “Nhất là trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư còn đang rất do dự, nửa muốn chung thuỷ với chứng khoán, nửa muốn rút lui sang kênh khác thì việc này có thể dẫn đến việc nhà đầu tư sẽ quyết định ra đi”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, khi đánh giá về những vấn đề liên quan giữa Thông tư 148 và TTCK, các chuyên gia đều cho rằng, những tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư là hơi thái quá, bởi quy định báo cáo về các giao dịch lớn cũng là điều bình thường.
Theo ông Lương Văn Trung, Giám đốc Pháp lý của Công ty Saigon Asset Management, không nên coi Thông tư 148 là biện pháp can thiệp vào TTCK. Thông tư 148 cũng không tạo ra nhiều gánh nặng về chi phí và nguồn nhân lực đối với công ty chứng khoán. Điều quan trọng nhất mà công ty chứng khoán phải thực hiện là có cán bộ chuyên trách về phòng, chống rửa tiền, xây dựng quy trình nội bộ về việc này và phổ biến cho toàn bộ nhân viên biết.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư đã hiểu sai bản chất của các quy định trong Thông tư 148, dẫn đến những lo ngại không đáng có. Một đại diện Vụ Tài chính – Ngân hàng (thuộc Bộ Tài chính) nhận xét, về thực chất, không phải tất cả các giao dịch có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên trong ngày đều bị đưa vào diện giám sát. “Quy định chỉ áp dụng đối với các giao dịch bằng tiền mặt, chứ không phải áp dụng cho tất cả các giao dịch bằng những hình thức khác”, vị đại diện này cho biết.
Thông thường, các giao dịch trên thị trường OTC mới hay phát sinh giao dịch bằng tiền mặt. Trong khi đó, phần lớn các giao dịch trên các sàn giao dịch chính thức đều được thực hiện qua tài khoản do các ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán quản lý. Vì vậy, theo các chuyên gia, khi nhà đầu tư mua bán chứng khoán thông qua tài khoản, thì không bị tác động từ Thông tư 148.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét