(VEF) - DN và cả nền kinh tế đang mong mỏi lãi suất giảm. Trên thị trường, những tín hiệu bước đầu đã xuất hiện. Tuy nhiên, để có thể giảm mạnh lãi suất trong quý là điều khó hiện thực trong quý I/2010.
Tín hiệu chưa đủ mạnh
Sau khi Ngân hàng Nhà nước ra tay chấn chỉnh cơn "sốc" lãi suất hồi tháng 12/2010, lãi suất đã có một bước ổn định và giảm mạnh. Từ trên 17% đã rút về đồng thuận và công khai ở mức 14%.
Từ đó đến nay, dù các ngân hàng có tăng cường khuyến mãi và các hình thức khác để tăng lợi ích cho khách hàng nhằm đẩy lãi suất thực lên cao nhằm huy động vốn, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn được giữ ổn định ở mức 14%.
Những diễn biến mới nhất trên thị trường cho thấy, sau thời kỳ căng thẳng về thanh khoản khiến các ngân hàng đẩy lãi suất tất cả các kỳ hạn bằng nhau thì nay tại một số ngân hàng "trần" 14%/năm đã rút dần và chỉ tập trung phổ biến ở các kỳ hạn ngắn 1-3 tháng, các kỳ hạn dài hơn chỉ khoảng từ 12-13%/năm.
Điều này được các chuyên gia nhận xét, biểu hiện này cho thấy các ngân hàng đã tính đến rủi ro chi phí ở các kỳ hạn dài trước khả năng lãi suất sẽ giảm dần thời gian tới. Có thể, chỉ sau thời kỳ căng thẳng giáp Tết, dù lãi suất chưa giảm ngay nhưng những bất cập trên bảng lãi suất sẽ chấm dứt và đường cong lãi suất hợp lý sẽ xác lập.
Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, những tuần gần đây, những biến động về lãi suất đã chứng tỏ những tín hiệu mới. Theo thông lệ, thời điểm thanh toán căng thẳng cuối năm, các ngân hàng thường vay mượn nhiều trên thị trường liên ngân hàng để giải quyết những khó khăn ngắn hạn, đẩy lãi suất trên thị trường lên cao.
Tuy nhiên, trong những tuần cuối 2010 và đầu 2011, lãi suất vẫn tương đối ổn định và đã có những dấu hiệu cho thấy sự tích cực trong thanh khoản của các ngân hàng.
Tổng hợp giao dịch trên thị trường này, lãi suất bình quân trong tuần tính đến 7/1/2011 có xu hướng giảm nhẹ ở một số kỳ hạn. Nếu lãi suất giao dịch bằng VND bình quân qua đêm dao động trong biên độ khá rộng, từ 10% đến gần 12%/năm qua các ngày, thì lãi suất ở các kỳ hạn dài đang giảm đáng kể.
Cụ thể, nếu như trong tháng 12/2010, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND các kỳ hạn 6 và 12 tháng ghi nhận những mức cao tới 13,5%/năm. Nhưng trong tuần đầu năm 2011, lãi suất giao dịch bình quân ở những kỳ hạn dài này đã giảm khá mạnh, cùng xuống dưới 13%/năm, tuần qua bình quân ở 12,8%/năm; riêng kỳ hạn 12 tháng có dấu hiệu giảm mạnh khi những ngày gần đây đã xuống dưới mốc 12% và ngày 7/1 chỉ còn 11,6%/năm. Dù đây mới chỉ là diễn biến ngắn nhưng cũng đã mang lại những tín hiệu hy vọng về giảm lãi suất.
Những tín hiệu này, cộng với định hướng của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất, càng khẳng định xu hướng giảm lãi suất là khá rõ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong tất cả các cuộc làm việc với các ngân hàng và các cơ quan lãnh đạo cao hơn, đều nói rằng cơ quan này sẽ có các giải pháp để giảm dần lãi suất cho vay khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng, với diễn biến hiện nay cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp sau quý I/2011, mặt bằng lãi suất sẽ giảm.
Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia, mục tiêu lạm phát năm nay không quá 7%; như vậy lãi suất huy động không thể quá 10-12%/năm. Và những tín hiệu hiện nay vẫn chỉ mới là tia hy vọng chưa đủ mạnh để sớm có thể đi đến giảm lãi suất.
Lực cản và hỗ trợ
Không lạc quan bằng nhưng một số chuyên gia từ các công ty chứng khoán dự đoán, có thể lãi suất trong quý I/2011 sẽ vẫn ở mức cao như cuối năm 2010 nhưng từ quý II, lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm dần.
Hội đồng Tư vấn tiền tệ cũng nhận định, quý I/2011, lãi suất sẽ là 14-17%/năm (huy động - cho vay); sang đến quý II và III/2011 giảm xuống còn 12-14,5%/năm. Tuy nhiên, từ mức huy động 14% cho vay 17-18% để giảm dần xuống 12% huy động và 14% cho vay như kỳ vọng hẳn còn một lộ trình rất dài.
Lực cản lớn nhất hiện nay đối với các ngân hàng trong việc tính toán lãi suất, bên cạnh sự căng thẳng thanh khoản ngắn hạn thì lạm phát đang là yếu tố khiến nhiều ngân hàng phải cân nhắc. Lạm phát 2010 đã ở mức hai con số. Năm 2011, lạm phát được đặt mục tiêu 7% nhưng trong quý 1/2011 là những tháng trong chu kỳ tăng giá nên lạm phát chưa thể giảm ngay.
Trong khi đó, dù chính phủ đặt mục tiêu lạm phát 7% nhưng đi kèm đó là tăng trường GDP 7,75% ắt hẳn sẽ kéo theo nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Trong một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào đầu tư, nhất là khi hiệu quả đầu tư (ICOR) còn cao thì vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ.
Trong khi đó, những hệ lụy từ chính sách điều hành 2010 và làn sóng tăng giá trong năm 2011 khiến lãi suất chưa thể giảm ngay và ngân hàng còn phải cảnh giác.
Một yếu tố khác mang tính chất thị trường không thể bỏ qua là thanh khoản và cạnh tranh vốn giữa các ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam vẫn sống nhờ vào huy động và cho vay. Với một cơ cấu nguồn vốn huy động có vốn ngắn hạn chiếm phần lớn, còn nhu cầu cho vay trung dài hạn khiến các ngân hàng rất dễ rơi vào căng thẳng thanh khoản và buộc phải đẩy lãi suất lên cao để cạnh tranh thu hút và giữ nguồn vốn. Lãi suất ngân hàng vẫn phải "giữ chân" vốn ngắn hạn.
Thực tế, với nguồn vốn huy động thiếu ổn định, dễ dịch chuyển... đã nhiều lần khiến các ngân hàng lao vào các cuộc đua lãi khiến cơ quan quản lý không lường trước và phải sử dụng các biện pháp hành chính cấp bách để chấn chỉnh như cuối 2010. Áp lực huy động vốn khiến cho các ngân hàng luôn cảnh giác và nhìn nhau... không dám hạ lãi suất. Điều này càng trở nên thực tế khi kinh tế bất ổn, các kênh đầu tư như bất động sản; vàng hay chứng khoán dễ kiếm lời và hút vốn của ngân hàng.
Trong hoàn cảnh đó, thị trường đang trông đợi những tín hiệu hỗ trợ quan trọng từ chính sách và các cơ quan quản lý.
Đầu năm, Chính phủ đã phát đi thông điệp lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm mục tiêu số một. Vấn đề bây giờ là điều đó cần phải được cụ thể và thực thi trên thực tế nhằm tạo ra những tín hiệu ổn định vĩ mô ngay từ đầu năm. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát giảm là sự hỗ trợ tốt nhất để các ngân hàng tính toán giảm lãi suất dài hạn.
Bên cạnh đó, các chính sách quản lý và kỹ thuật để điều tiết từ Ngân hàng Nhà nước cũng rất cần thiết để tăng thêm hỗ trợ cho các ngân hàng khi giảm lãi suất. Đó chính là các biện pháp ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát, điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn vốn trong nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét