Tìm kiếm

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

22 năm tôi chỉ ước mẹ được ăn cơm với thịt nạc

Ước mơ của tôi nhỏ nhoi lắm, nhưng tôi đã phải cố gắng suốt 22 năm. Ước mơ mẹ được ăn cơm với thịt nạc vì tôi biết mẹ chỉ đồng ý mua thịt nạc ăn khi gia đình hết nợ và chúng tôi thật sự trưởng thành.

"Bất cần và tham vọng" là tôi trong mắt bạn bè. Họ vẫn thường nói thế khi có ai đó hỏi về tôi. Nhưng không ai biết tôi nồng ấm và luôn ấp ủ chỉ một ước mơ mà thôi - ước mơ đến một ngày, mẹ tôi có thịt nạc ăn trong mỗi bữa cơm.
Từ thuở bé cho đến tận bây giờ, sự nghèo đói cứ đeo bám gia đình tôi một cách dai dẳng. Mẹ thường cười buồn và thủ thỉ vào tai tôi "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời đâu con". Đời tôi đã là thứ ba, sau bố mẹ và ông bà.
Mẹ sinh tôi vào một ngày mưa gió trong mái nhà tranh xiêu vẹo. Không có xe đạp, bố đi bộ ra gọi ngoại và nội vào đỡ đẻ và cắt rốn cho tôi. Mẹ bảo chính vì không được ủ ấm ngay lúc chào đời nên tôi bị nhiễm lạnh, cổ họng cứ khò khè. Mỗi lần tắm là một lần mẹ lo thắt ruột, vì tôi sẽ ốm.
Năm tôi 2 tuổi, mẹ bệnh nặng ngỡ không sống nổi. Mẹ sợ phải bỏ lại mấy đứa con khi còn quá nhỏ. Tôi bé nhất, chẳng biết gì cả. Chỉ nhớ là trâu bò và đồi rẫy của gia đình tôi không còn nữa. Sau này tôi mới biết là bố bán đưa mẹ đi mổ. Thấy mẹ về tôi mặc quần thủng mông ra mách với mẹ: "Bà nội toàn nấu canh rau lợn cho con ăn". Tôi đâu biết nhà đã hết tiền nên nội phải nấu canh rau khoai cho tôi ăn mát ruột.
22 năm tôi luôn cố gắng học tốt, ra trường, kiếm tiền giúp mẹ trả nợ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Đấy là chuyện của năm 1992. Từ đó cho tới lúc tôi đi học, mọi chuyện trong gia đình tôi đều yên bình, ngoại trừ cái nghèo ngày một tăng. Tôi còn nhớ, tôi đi học và nghịch ngợm nhất lớp, nhưng bao giờ cũng là học sinh đứng đầu lớp.
Tôi không thích học giỏi, vì học giỏi thầy cô bắt tôi ngoan, không cho tôi phá phách. Nhưng vì sao tôi vẫn đứng đầu lớp? Không phải các bạn tôi kém cỏi, mà ngay từ khi tôi còn bé xíu tập viết tập đọc, tôi đã biết phải cố gắng vì mẹ - tình yêu vĩ đại của tôi.
Tôi đứng đầu lớp thì ngoài giấy khen, cô sẽ cho tôi kẹo, cho tôi quà. Lớn hơn một chút, nhà trường thưởng cho tôi một món tiền tí hon. Tôi ghét học giỏi nhưng đã nỗ lực hết mình để những phần thưởng cuối năm đó không thuộc về tay ai hết. Chúng phải thuộc về tôi.
Tôi không tham lam, ai cũng bảo tôi hiền. Tôi không giành lấy những thứ đó để cho riêng mình. Trong ký ức của tôi những năm học ấu thơ luôn kết thúc vào hè. Đúng dịp ấy lúa ở quê đang chín rộ. Mẹ và chị gái đang xoài người gặt lúa trên đồng. Tôi nhảy chân sáo từ trường về đến tận chỗ mẹ với phần quà được thưởng trên tay.
Mẹ cầm những chiếc bánh, những quả mận, miếng dưa hấu đưa cho chị và xoa đầu tôi. Và như thế, tôi đã cố gắng cả năm để mang về những niềm vui bình dị cho mẹ. Tôi không khoe giấy khen, vì đến hết cấp 1 tôi vẫn ghét học giỏi!
Nhưng có một sự cố thay đổi suy nghĩ trong tôi. Năm ấy tôi hùng dũng bước vào mái trường cấp 2, trong khi lũ bạn rụt rè, e thẹn. Bố tôi gặp tai nạn, nặng lắm. Một lần nữa những thứ có thể bán được trong nhà lại lần lượt ra đi. Chưa bao giờ tôi biết đến chữ nghèo rõ ràng như thế. Và bạn bè của tôi đi đâu hết? Tôi nghe nói bố mẹ chúng bảo không nên chơi với tôi.
Năm 2000, thế giới và đất nước chào thiên niên kỷ mới, còn tôi tiến hành một cuộc cách mạng cho riêng mình. Lần đầu tiên, một con bé 10 tuổi chong đèn thức để suy nghĩ vì sao phải đi học, học để làm gì. Tôi vẫn kịp tìm ra đáp án trước lúc ngủ gục trên bàn. Học để thực hiện một ước mơ duy nhất mà thôi.
Tôi đã lầm lũi học, đến lớp 6 tôi không ghét học giỏi nữa. Tôi quyết tâm phải là người giành vị trí số 1. Có lẽ thế mà những người bạn sau này gọi tôi là đứa con gái tham vọng. Nhưng tham vọng đó không phải là viển vông, nó nằm trong khả năng của tôi.
9 năm liền tôi đi bộ đi học. Ngày trời nắng tôi đầu trần, ngay cả nón mê của mẹ tôi cũng không dám đội. Vì nếu tôi đội, mẹ sẽ đi làm bằng gì? Nắng to quá tôi bẻ cành cây che tạm. Trời đổ mưa con đường trơn tuột, đôi bàn chân bé xíu bấm chặt lòng đường nhưng vẫn không tránh khỏi một vài chú ếch. Tôi thích nắng hơn mưa. Vì mưa tôi không có áo mưa đẹp như bạn bè mà chỉ có tấm nylon bạc phếch mẹ cắt cho.
Nhưng đến năm 2000, tôi không thể đi bộ đi học nữa. Vì trường cách xa nhà hơn 10 km. May mắn là mẹ mượn cho tôi chiếc xe đạp cũ của nhà bác. Tôi đã hồ hởi với con ngựa sắt của riêng mình. Đã có lần tôi bị thầy hiệu trưởng trường cấp 3 đuổi về. Thầy bảo tôi vi phạm quy chế, không đi dép quai hậu!
Phải, chân tôi chỉ đang đi đôi dép nhựa 7.000 đồng mẹ mua cho. Nhưng tôi đã chứng minh được mình ở giữa thị trấn giàu có đó bằng điểm tổng kết cao nhất nhì khối, bằng những chứng nhận học sinh giỏi các cấp. Những người bạn mới vô cùng yêu quý, song vẫn rất dè chừng trước một lớp trưởng vừa nhiệt tình và máu lạnh như tôi.
Bệnh tật của mẹ cứ tỉ lệ thuận dần theo thời gian và những tấm giấy khen tôi và anh chị mang về. Tôi biết tôi đang bòn rút sức lực của mẹ. Ước mơ ngày một nung nấu, tôi chỉ mong mau chóng làm được điều đó.
Mẹ tôi như một tổng kho bệnh tật. Mẹ bị úng thận, bị viêm sa dạ dày, bị suy tim, bị thoái hóa đốt sống, bị mọng mắt… bị ti tỉ thứ mà tôi không thể đếm hêt, và cũng không bao giờ dám đếm hết. Tôi không muốn khóc, tôi sợ rồi một ngày người tôi yêu thương nhất sẽ không còn trên cuộc đời này nữa.
Một lần tôi đã khóc, khi cô giáo giảng văn trích dẫn một câu nói rất hay về mẹ: "Thêm một người thế giới sẽ chật, nhưng vắng mẹ thế giới toàn nước mắt". Phải làm sao để người có thể ở mãi nơi này với tôi?
Cũng đến lúc phải xa rời vòng tay mẹ! Ấy là khi tôi bước chân vào giảng đường đại học. Khi nhìn chúng bạn hân hoan có bố mẹ ra thăm, nghe giọng đứa bạn cùng phòng nhõng nhẽo với mẹ qua điện thoại, tôi cảm thấy sống mũi cay cay. Tôi biết mình đang nhớ mẹ, nhớ nhà đến vô cùng.
Nửa đêm mùa hạ, cổ họng nghẹn đắng không thét thành tiếng, người đầm đìa mồ hôi tôi tỉnh giấc. Tôi mơ mẹ mất! Sáng mượn điện thoại gọi về, mẹ bảo thế là điềm lành đấy con ạ, yên tâm mẹ còn sống lâu. Thế mà tôi vẫn bắt xe bằng được về thăm mẹ, giật mình khi tóc mẹ bạc nhiều hơn. Thì ra điềm con mơ có thật, mẹ bị con lợn nái cắn thủng bụng chân mất nhiều máu. Đến ngày đi, cầm tiền của mẹ sao tôi thấy xót xa trong lòng.
Năm nay bão giá kinh hoàng quá. Mâm cơm ở nhà chẳng có gì, thậm chí gạo mẹ cũng hết rồi. Tôi vẫn chỉ là một sinh viên năm thứ ba chưa báo đáp được gì cho mẹ. Kỳ này được học bổng, tôi đã hứa cố sống cố chết thế nào cũng phải mua bằng được thứ quả mẹ thích ăn nhất để gửi về. Nhưng sau khi nhập viện vì sốt xuất huyết, chỉ một cân nho thôi nhưng tôi đã thất hứa.
Một năm nữa tôi ra trường và sẽ cố gắng hết mình để giúp mẹ trả nợ. Sẽ đến lúc tôi thực hiện được ước mơ của mình. Ước mơ ấy nhỏ nhoi lắm, nhưng tôi đã phải cố gắng suốt 22 năm. Ước mơ mẹ được ăn cơm với thịt nạc vì tôi biết mẹ chỉ đồng ý mua thịt nạc ăn khi gia đình hết nợ và chúng tôi thật sự trưởng thành.
Tôi vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn đón đợi. Nhưng tôi tin vào tình yêu tôi dành cho mẹ. Và tôi sẽ làm được "tham vọng" của riêng mình.
Chờ con, mẹ nhé! Sẽ đến ngày mẹ có thịt nạc ăn

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

A Lover's Concerto-Kelly Chen 

Cuộc sống cứ vội vã trôi đi với những lo toan cơm áo gạo tiền, làm con người ta trở nên thực dụng và toan tính hơn. Ừ thì cuộc sống phải thế, bởi có ai sống mà ăn không khí bao giờ? Nhưng có những món ăn không dùng để nuôi sống thể xác, mà là tinh thần.

Mỗi người chúng ta sinh ra và tồn tại trong cuộc sống này đều vận động. Bất cứ sự vận động nào dù hình thức có khác nhau nhưng chung quy lại cũng chỉ để sống, và duy trì sự sống. Nhưng sống thế nào?

Mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình một cách sống, một cách cảm nhận trước tất cả những gì cuộc sống mang đến. Có thể sống tích cực và cũng không loại trừ khả năng tiêu cực. Nhưng tôi tin, một khoảng khắc nào đó, mỗi chúng ta đều phải "lắng đọng", nhìn lại những gì đã trôi qua trong cuộc đời mình. Bất cứ điều gì diễn ra xung quanh ta đều có thể khiến ta lắng đọng. Vì tinh thần không vận động một cách vội vã và máy móc như thể xác, nó vận động trong tĩnh lặng và không theo bất cứ một quy luật nào.




Lắng đọng!

Là khi nghe một tiếng khóc nào đó khiến ta suy tư, là khi nghe một nụ cười làm ta thổn thức. Là khi nghe tiếng mưa rơi ngoài hiên làm ta thấy mình mong manh, là khi nhìn thấy một bức ảnh ngày xưa của Mẹ làm ta dâng trào yêu thương.

Lắng đọng!

Là khi nhìn thấy nụ cười trong sáng của một đứa trẻ, ta trở nên tinh khôi hơn khi nhớ về một thời thơ bé đã qua. Là khi chiếc lá vàng lảo đảo rơi trong chiều thu khiến ta giật mình cho một đời người rồi cũng sẽ như thế. Là khi nghe một bản hoà tấu về đêm, âm thanh da diết trầm bổng, như muốn xoáy trong lòng người về một nỗi niềm nào đó. Là khi một bức ảnh mà ta cho là ý nghĩa khiến ta trở nên thênh thang hơn...

Lắng đọng!

Là khi sải những bước chân tư lự trên một con đường vắng vẻ, ta cần sự ấm áp của một bàn tay, là khi màn đêm buông xuống nỗi cô đơn như được dịp gặm nhấm tâm hồn ta. Là khi ánh nắng lung linh của buổi sáng chiếu qua khoé mắt khiến ta tràn trề hy vọng cho ngày mới, là khi những giây phút trôi qua của cuộc sống làm ta nuối tiếc nhưng không muốn đứng lại…



Thế đấy! Ai trong chúng ta mà chẳng có những giây phút lắng đọng đúng không? Lắng đọng mà tôi nói ở đây không phải cái cảm giác thăng hoa của một nghệ sĩ, hay mang đầy tính triết lý của một nhà tư tưởng học, hoặc cái ngông của một nhà văn. Lắng đọng là những cái rất con người và đời thường.

Ta lắng đọng cho cái qua khứ đã trôi qua, và cho hiện tại mà ta đang sống. Bởi khi lắng đọng, ta mới nhìn nhận sự việc bằng một đôi mắt khác, một đôi mắt không bị chi phối bởi vật chất, hay một cảm xúc quá lí trí nào đó. Lúc ấy, ta nhìn bằng một đôi mắt biết chia sẻ, một tâm hồn rộng mở và một trái tim biết yêu thương tha thứ.

Chẳng ai trong chúng ta sống mà không cần có bạn, không cần được chia sẻ. Vậy nên đời sống tinh thần trở nên quan trọng và cần thiết lắm đỗi. Tất cả những cảm xúc và những cung bậc khác nhau của tình cảm, cùng nhiều món ăn tinh thần cụ thể khác đều là mạch nguồn để duy trì đời sống tinh thần. Và lắng đọng cũng là một cách làm cho đời sống tinh thần của ta ý nghĩa hơn!

Hãy lắng đọng bạn nhé, lắng đọng theo cách của riêng mình. Bởi cuộc sống cần lắm những giây phút lắng đọng, vì khi ta lắng đọng là lúc ta được truyền thêm "máu", thêm "đạm", thêm "nước", thêm "vitamin" cho tâm hồn

“Chảy máu chất xám” hay “hưởng lợi chất xám”?


Thực ra nước nghèo hưởng lợi khi các công dân ưu tú nhất của họ di cư ra nước ngoài.
Khi người tại các nước giàu nghĩ đến hoạt động di cư, họ thường nghĩ đến lao động phổ thông tranh nhau công việc có mức lương thấp như xây dựng, rửa chén đĩa hay làm nông nghiệp.
Khi người tại nhóm nước đang phát triển nghĩ về di cư, họ thường quan tâm đến triển vọng làm việc tại thung lung Silicon (thủ phủ ngành công nghệ Mỹ) hay bệnh viện, đại học tại các nước phát triển. Chính phủ các nước phát triển thường cố gắng thu hút nhóm lao động này bằng các quy định nhập cư riêng.
Kết quả của nhiều nghiên cứu mới đây cho thấy nhóm người học vấn cao tại các nước đang phát triển thường muốn di cư. Theo một số tính toán, khoảng 2/3 nhóm người có học vấn cao của quốc đảo Cape Verdeans sống bên ngoài nước này.
Trong cuộc khảo sát đối với các hộ gia đình Ấn Độ vào năm 2004, người tham gia khảo sát được hỏi về thành viên của gia đình đã chuyển ra nước ngoài.
Gần 40% người đã di cư có học vấn cao trong khi đó tỷ lệ có học vấn cao trong nhóm người Ấn Độ trên 25 tuổi chỉ đạt 3,3%. Nhà hoạch định chính sách tại các nước nghèo hết sức lo lắng về tình trạng chảy máu chất xám này.
Họ sợ điều đó gây tổn hại đến nền kinh tế của họ, lấy đi của nước họ những nhân sự tài năng lẽ ra đã dậy tại đại học, làm việc trong bệnh viện và mang đến sản phẩm sáng tạo cho thị trường nước họ.
Nhiều người hiện rất quan tâm đến vấn đề này. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng thuyết chảy máu chất xám không đủ để nói về ảnh hưởng tích cực từ kiều hối, lợi ích mà nhóm người trở về nước được hưởng và việc viễn cảnh được đến sống tại đất nước có đời sống tốt đẹp hơn khuyến khích con người ta học tập nhiều hơn.
Một số người cho rằng một khi các yếu tố này được tính đến, cuộc di cư của nhóm người trình độ cao cuối cùng sẽ mang lại lợi ích ròng cho nước mà họ ra đi. Nghiên cứu về hoạt động di cư từ nhóm nước xa xôi như Ghana, Fiji, Ấn Độ, Rumani đã cho thấy lý do đáng để ủng hộ ý tưởng “hưởng lợi chất xám”.
Đóng góp dễ nhìn thấy của nhóm người đã di cư cho đất nước của họ chính là kiều hối. Ngân hàng Thế giới công bố người lao động đến từ nhóm nước đang phát triển gửi về nước tổng số 325 tỷ USD trong năm 2010.
Tại Lebanon, Lesotho, Nepal, Tajikistan và một số nước khác, kiều hối đóng góp hơn 20% GDP. Một lao động nhập cư trình độ tốt sẽ kiếm được thu nhập cao gấp nhiều lần so với việc nếu người đó làm việc tại quê hương.
Người Rumani nhập cư vào Mỹ kiếm được thu nhập cao hơn trung bình 12.000USD so với mức tại Rumani, khoản tiền rất lớn đối với người lao động tại nước mà thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 7.500USD (tính theo tỷ giá thị trường).
Phải thừa nhận thực tế nhiều lao động nhập cư trình độ cao được đào tạo nhờ nguồn kinh phí của chính phủ nước họ (thường khá nghèo). Một số người cho rằng chính phủ các nước nghèo nên nghĩ lại về việc họ sẽ chi tiền cho giáo dục bậc sau đại học như thế nào.
Người Ấn Độ thường tranh cãi liệu chính phủ có nên tiếp tục trợ cấp Viện công nghệ Ấn Độ (IITs), trường đào tạo kỹ sư cao cấp, nơi rất nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp làm việc tại thung lũng Silicon hay phố Wall.
Nghiên cứu về kiều hối của nhóm người nhập cư từ Ghana cho thấy trung bình số tiền mà nhóm người này gửi về trong suốt cuộc đời làm việc của họ cao hơn nhiều lần so với lượng tiền đã được chi ra để đào tạo họ. Một khi kiều hối được tính vào, chi phí giáo dục sẽ phải cao gấp 5,6 lần con số chính thức mới có thể nói Ghana đang thiệt.
Có nhiều cách để chỉ ra việc nhóm lao động có trình độ giúp đỡ nước họ như thế nào. Một số người nhập cư hẳn đã thất nghiệp nếu họ ở lại nước họ. Tỷ lệ người có thất nghiệp có bằng đại học tại nhóm nước như Morocco và Tunisia cao hơn nhiều so với nhóm trình độ thấp, có thể bởi người có bằng cấp khó tính hơn. Hoạt động di cư sẽ giúp trình độ và kỹ năng của người lao động mang lại hiệu quả tối đa. Lợi ích này sau đó sẽ trở lại nước sở tại, trực tiếp nhất thông qua kiều hối.
Khả năng di cư có thể có lợi cho những ai chọn hướng ở lại. Nó mang đến cho người tại các nước nghèo động lực đầu tư vào giáo dục. Nghiên cứu tại quốc đảo Cape Verdeans cho thấy cứ thêm 10% người trẻ nhận thức về khả năng di cư, số người học hết trường cấp 2 tăng thêm 8%.
Năm 1987, một số người dân gốc Ấn Độ tại đất nước nhỏ bé Fiji đã cho rằng quyền lợi việc làm và sức mạnh chính trị của họ bị hạn chế. Làn sóng di cư dâng cao. Người trẻ Ấn Độ tại Fiji muốn di học đại học hơn ngay cả khi triển vọng kinh tế nước họ u ám, một phần bởi chính phủ Úc, Canada và New Zealand, 3 điểm đến ư thích của người Fiji, đưa ra chính sách thu hút nhân tài. Một nhóm nhất định trong số người lao động có trình độ cao ở lại được nước ngoài, trình độ kỹ năng chung của người dân Fiji cải thiện mạnh.
Hộ chiếu đến sự giàu có
Người di cư sẽ có thể mang đến thay đổi trực tiếp cho nước họ. Trong cuốn sách gần đây về người di cư Ấn Độ, giáo sư Devesh Kapur của đại học University of Pennsylvania chỉ ra những người Ấn Độ thuộc thung lũng Silicon đã giúp định hình cấu trúc của các công ty công nghệ liên doanh Ấn Độ.
Ông cũng khẳng định nhóm người này đã giúp các công ty phần mềm Ấn Độ thâm nhập vào thị trường Mỹ bằng cách xác nhận về chất lượng của các công ty. Cuối cùng, những người đã di cư sẽ có thể trở về nhà, với kiến thức và kỹ năng mà có lẽ họ khó có thể học được nếu không ra nước ngoài.
Nghiên cứu về nhóm người di cư Rumani cho thấy người trở về thường có mức lương cao hơn trung bình từ 12% đến 14% so với nhóm người chọn làm việc tại đất nước. Để cho người có học đi đến nơi đâu họ muốn có lẽ là lựa chọn tốt.

10 phát ngôn bất hủ trên thị trường chứng khoán


Thị trường tài chính đã trải qua hàng trăm năm, và tại đây luôn có những quan điểm hay lời khuyên của họ luôn có sức ảnh hưởng và có giá trị bất chấp sự thay đổi liên tục.
Dưới đây là 10 câu nói ấn tượng với các nhà đầu tư tài chính nhiều thập kỷ qua.
1. “Hiểu được hai từ ‘giá trị’ đồng nghĩa với việc hiểu được ý nghĩa của thị trường” – Charles Dow
Charles Dow
Charles Dow
Năm 1896, nhà báo Charles Dow đã phát minh ra Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones. Những quan điểm của ông về cổ phiếu luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Charles Dow là nhà đồng sáng lập của Dow Jones and Company. Ông cũng là nhà sáng lập the Wall Street Journal – một trong những tờ báo được đánh giá cao nhất trên thị trường tài chính thế giới. Dow đã phát triển hàng loạt những nguyên lý giúp tìm hiểu và phân tích thị trường tài chính ví dụ như Lý thuyết Dow.
2. "Đôi khi, ngay cả những nhà đầu tư thông minh cũng cần có ý chí mạnh mẽ để tránh đi theo đám đông." – Benjamin Graham
Benjamin Graham
Benjamin Graham
Benjamin Graham là cha đẻ của công cụ "Mr Market” (để ngầm chỉ một sự thật rằng giá cả chứng khoán có sự dao động rất lớn, và chính điều này sẽ mang lại cho những nhà đầu tư khôn ngoan cơ hội để mua khi giá giảm và bán khi giá tăng) – đồng thời cũng là nhà quản lý đầu tư và nhà giảng dạy về tài chính xuất sắc. Ông viết 2 quyển sách kinh điển về đầu tư (“Phân tích đầu tư chứng khoán” và “Nhà đầu tư thông mình”) mà không có tác phẩm nào so sánh được về tầm quan trọng. Ông được toàn thế giới thừa nhận như là cha đẻ của hai phương pháp đầu tư cơ bản – phân tích cổ phiếu và đầu tư giá trị. Ông cũng nổi tiếng vì là thày và là người cố vấn dày dạn kinh nghiệm cho tỷ phú Warren Buffet cũng như nhiều nhà đầu tư nổi tiếng khác. Bản thân Warren Buffet cũng thừa nhận rằng trong ông có đến 85% Ben Graham.
3. "Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn – Sir John Templeton
Sir Templeton
Sir John Templeton
Là người tiên phong trong việc sử dụng quỹ tương hỗ đa dạng hóa toàn cầu, Sir Templeton là nhà đầu tư cổ phiếu người Anh gốc Mỹ, đồng thời cũng là một nhà từ thiện. Tạp chí Money từng mệnh danh Templeton “là người lựa chọn cổ phiếu toàn cầu tài ba nhất trong lịch sử”.
Templeton lựa chọn quan điểm tránh xa phố Wall bằng cách đầu tư chủ yếu vào thị trường Anh và Nhật Bản. Chính điều này đã giúp ông trở thành một tỷ phú giàu có và đi đầu xu hướng đầu tư toàn cầu. Hiện Templeton làm việc toàn thời gian trong vai trò của một nhà từ thiện, mỗi năm ông tặng khoảng 40 triệu đôla cho các quỹ từ thiện song ông vẫn hết sức tận tụy với năng khiếu thiên bẩm của mình “nghiên cứu về đầu tư chứng khoán”. Cũng nhờ có các nghiên cứu chuyên sâu về thị trường, việc hoạch định tính toán thời gian của Templeton luôn hoàn hảo đến mức tuyệt đối. Ngay từ giai đoạn đầu tiên của thời kỳ cổ phiếu ngành công nghệ và Internet bùng nổ những năm 1990, Templeton đã có được vị trí đáng kể trên thị trường cổ phiếu của lĩnh vực này và kiếm về cho mình cả một gia tài.
4. “Trừ khi nợ quốc gia là quá lớn, nhìn chung nó không phải là vấn đề đáng ngại” – Alexander Hamilton
Alexander Hamilton
Alexander Hamilton xuất hiện trên tờ bạc 10 USD.
Hamilton là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước Mỹ và quan điểm của ông có ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Mỹ cả trong quá khứ lẫn trong hiện tại. Hamilton cũng chính là người đề xuất thành lập Ngân hàng Trung ương đầu tiên của Mỹ khi Mỹ đang rơi vào cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng với lập luận rằng nếu không thành lập ngân hàng trung ương để nhận sự đầu tư của nước ngoài đổ vào thì Chính phủ sẽ sụp đổ rất nhanh. Đề xuất này đã trải qua quá trình hiện thực hoá không được suôn sẻ khi bị rất nhiều chính khách phản đối, nhưng cuối cùng cũng được thông qua bởi Tổng thống Washington và mô hình của nó chính là tiền thân của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày nay.
5. “Mua cổ phiếu mà không hiểu biết về công ty cũng giống như đọc chữ mà không hiểu gì" – Peter Lynch
Peter Lynch
Peter Lynch
Peter Lynch là anh hùng của giới đầu tư chứng khoán với quỹ đầu tư Fidelity trong suốt nửa sau thế kỷ 20. Ông cũng là một huyền thoại phố Wall với nhiều cuốn sách phân tích sắc sảo. Rất nhiều nhà đầu tư coi Peter là bậc thầy tài ba và là tấm gương đầu tư để họ noi theo. Họ luôn nghiên cứu sát sao những tác phẩm của ông như “chiến thắng trên phố Wall” hay “Học cách làm giàu” v.v… Đây được xem là bảo bối cho những chiến lược đầu tư quan trọng của nhiều người, trong đó Peter đã tổng kết 3 nguyên tắc cơ bản nhất đó là: Chỉ mua những cổ phiếu quen thuộc, tự mình nghiên cứu và đầu tư dài hạn.
6. “Trong kinh doanh, đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền, và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền” – George Soros
George Soros
George Soros
Cái tên George Soros đã trở nên hết sức quen thuộc với phố Wall cũng như với toàn thế giới. Người ta biết đến ông như một nhà tỷ phú thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư tư bản. Tỷ phủ người gốc Hungary này là chủ tịch của Quỹ đầu tư Soros và là một trong những nhà đầu cơ lỗi lạc nhất trong lịch sử thị trường tài chính thế giới. Năm 2004, George Soros đứng thứ 24 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với giá trị tài sản 7,2 tỷ USD. Đứng thứ 24 thế giới nhưng nhà tỷ phú gốc Do Thái này nổi tiếng là nhân vật số một trong giới tài chính. Người ta tin rằng ông có thể một tay che cả bầu trời, làm mất giá bất kỳ đồng tiền mạnh nào trên thế giới hay gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế bởi những cư dân của phố Wall và thị trường tài chính London luôn dõi theo và sẵn sàng dập khuôn theo ông.
Theo các nhà phân tích, George Soros là nhà đầu cơ ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của ông mang tính trục lợi rất cao, đầu tư những khoản tiền lớn nhưng mang nhiều tính đánh bạc trên cơ sở những biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, sau sự kiện này, nhất cử nhất động của George Soros đều thu hút sự chú ý đặc biệt của các quan chức Chính phủ và ngân hàng trung ương của tất cả các nước.
7. “Tôi sẽ chỉ cho bạn cách làm giàu. Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và hãy tham lam khi người khác sợ hãi” – Warren Buffett
Warren Buffett
Warren Buffett
Warren Buffett là một nhà đầu tư, doanh nhân và nhà từ thiện lỗi lạc người Mỹ. Ông được coi là một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới, cổ đông lớn nhất kiêm Giám đốc điều hành hãng Berkshire Hathaway. Ông được gọi là "Huyền thoại đến từ Omaha" hay "Hiền tài xứ Omaha".
Ông rất nổi tiếng do sự kiên định trong triết lý đầu tư theo giá trị cũng như lối sống tiết kiệm dù sở hữu khối tài sản khổng lồ. Warren Buffet từng được coi là “thầy phù thuỷ” trên thị trường chứng khoán, mỗi động thái của ông luôn được dõi theo hàng ngày bởi hàng nghìn nhà đầu tư trên thế giới.
8. “Đầu tư vào tri thức sẽ đem lại lợi nhuận cao nhất” – Benjamin Franklin
Benjamin Franklin
Benjamin Franklin
Benjamin Franklin là một trong những người thành lập nước Mỹ. Ông là một chính trị gia, một nhà khoa học, một tác giả, một thợ in, một triết gia, một nhà phát minh, nhà hoạt động xã hội, một nhà ngoại giao hàng đầu.
9. “Điều quan trọng không phải là bạn kiếm đựơc bao nhiêu tiền mà là giữ được bao nhiêu tiền và số tiền đó đã sinh sôi nảy nở như thế nào, và bạn giữ được số tiền kiếm được cho bao nhiêu thế hệ” - Robert Kiyosaki
Robert Kiyosaki.
Robert Kiyosaki.
Robert Kiyosaki là một nhà đầu tư, doanh nhân đồng thời là một tác giả. Kiyosaki nổi tiếng bởi cuốn sách "Rich Dad, Poor Dad" (Cha Giàu, Cha Nghèo), từng được xếp vào số 10 cuốn sách bán chạy nhất trên cả The Wall Street Journal, USA TodayNew York Times. Trong cuốn "Rich Kid Smart Kid" của mình, với mục đích giúp cha mẹ dạy con cái quan niệm về tài chính của họ, ông đã sáng chế ra trò chơi "Cashflow" dành cho người lớn và trẻ em. Ông cũng tham gia các bài phát biểu trên khắp thế giới, đồng thời viết một chuyên mục hàng tuần trên trang Yahoo Tài chính.
10. "Trong chớp mắt thị trường có thể cướp đi mọi thứ của bạn" – Jim Cramer
Jim Cramer.
Jim Cramer.
Jim Cramer là chuyên gia đầu tư chứng khoán, nhà quản lý quỹ, và cũng là người dẫn chương trình "Mad Money" trên đài truyền hình CNBC. Ông cũng là nhà đồng sáng lập của trang web tài chính nổi tiếng TheStreet. 31 năm trong nghề, người dẫn chương trình "Mad Money" thường đưa ra khuyến nghị thành công mua vào, chứ không phải bán ra khi thị trường đang trong những thời điểm đầy rủi ro như thời điểm thị trường chạm đáy năm 1987 hay thị trường tụt dốc chớp nhoáng sau vụ tấn công kinh hoàng 11/9 tại Mỹ.

Warren Buffett và bài học từ lỗ hổng trong đạo đức kinh doanh

Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta thường có xu hướng lờ đi những hành vi vi phạm đạo đức của người khác trong trường hợp hành động này mang lại lợi ích cho bản thân.

Tháng Một năm nay, David Sokol đã mua gần 10 triệu USD cổ phiếu của công ty hóa chất Lubrizol và sau đó đề xuất với Berkshire mua lại công ty này.
Sokol cho rằng ông không hề biết liệu Berkshire có thâu tóm Lubrizol như kế hoạch không và phủ nhận việc giao dịch nội gián. Nhưng rõ ràng Sokol đã nắm được những thông tin nội tình có lợi cho khoản đầu tư của mình.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng với việc luôn yêu cầu thực thi chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, lại không có sự can thiệp thích đáng khi biết đến việc mua cổ phiếu của Sokol trước đó.
Phải chăng Buffett đang đi ngược với các nguyên tắc đạo đức của mình. Hay theo như Berkshire, thì Buffett hoàn toàn không có lỗi trong vụ này.
Cả hai kết luận trên đều không chính xác. Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ta thường có xu hướng lờ đi những hành vi vi phạm đạo đức của người khác trong trường hợp hành động này mang lại lợi ích cho bản thân.
Sự thất bại trong việc giám sát nhân sự này gọi là “motivated blindness” (tạm dịch: động cơ ngầm), xảy ra khá phổ biến và không thể lường trước được. Khi Buffett được Sokol thông báo về việc sở hữu cổ phiếu Lubrizol, có lẽ Buffett đã không cố tình lờ đi những dấu hiệu vi phạm nguyên tắc đạo đức, mà đơn giản bởi ông không hề nhận ra chúng.
“Động cơ ngầm” không chỉ thấy trong trường hợp của Buffett, mà còn thấy ở nhiều trường hợp các công ty kiểm toán gặp thất bại trong việc chỉ ra sai phạm sổ sách của các công ty được kiểm toán.
Ngoài ra, “động cơ ngầm” cũng giải thích cho vấn đề đánh giá sai lệch chứng khoán tại các tổ chức xếp hạng tín dụng hiện nay.
Có thể thấy nhiều động cơ để kiểm toán viên lờ đi những sai phạm của công ty khách hàng như việc họ muốn giữ chân khách hàng, hoặc muốn bán các dịch vụ tư vấn đi kèm hoặc thậm chí là để được nhận việc trong chính công ty đó. Kiểm toán viên hoạt động theo nguyên tắc kiểm toán độc lập, tuy nhiên dưới những yêu cầu phải làm hài lòng khách hàng thì sự độc lập khó mà tồn tại được.
Trong khi đó, các tổ chức tài chính có quyền chọn tổ chức trung gian để xếp hạng chứng khoán cho mình, điều này càng khuyến khích việc đánh giá lỏng lẻo, thiếu chính xác.
Để tìm giải pháp cho vấn đề chính trực trong hoạt động tài chính, cần phải nhấn mạnh rằng “động cơ ngầm” có thể tác động tới bất cứ ai. Trong trường hợp các xung đột lợi ích xảy ra thì yêu cầu về chính trực trong kinh doanh khó mà thực hiện được.
Để có sự khách quan trong mọi quyết định về quản lý và điều hành cần phải đưa ra các quy tắc để tránh xung đột lợi ích.
Xét cho cùng, kiểm toán viên không nên bị tác động bởi bởi việc phải làm hài lòng khách hàng, họ chỉ cần tập trung vào công việc kiểm toán. Còn các tổ chức xếp hạng tín dụng cần có các biện pháp cải tổ hoạt động để loại trừ góc khuất tránh việc vi phạm nguyên tắc đạo đức. Cuối cùng, Warren Buffett với tư cách là người quản lý cần lưu tâm đến tham vọng của cấp dưới cũng như các thương vụ có thể làm họ mờ mắt mà làm trái lại các nguyên tắc đạo đức kinh doanh của công ty.

phố đông

phố đông ....ko người qua lại
tự hỏi mình rằng phố vẫn đông
một dòng xô đẩy,mình lạc lõng
xe đạp nào đầy giỏ lá phong?

vô đề

Ta đặt bài thơ ko tựa đề
để lòng trang trải với si mê
thỏa sức trẻ trung ta vùng vẫy
một phút phiêu du 1 sự đời